Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để đạt mục tiêu tăng trưởng

- Thứ Năm, 22/07/2021, 22:10 - Chia sẻ
Đây là kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên họp tổ chiều, 22.7 khi thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Cùng với các Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, An Giang, Trà Vinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tích cực đóng góp ý kiến về các kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm của Chính phủ, giải pháp thực hiện và  hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, tình hình dịch bệnh Covid-19, kiến nghị xem xét một số giải pháp cần thiết trong phòng chống dịch… Các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. 

Đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị cần có kịch bản cụ thể để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng
Đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị cần có kịch bản cụ thể để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng

Phát biểu tại phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến đánh giá, trong 5 năm 2016-2020, Chính phủ đã điều hành nền kinh tế vĩ mô vững chắc, các cân đối lớn của nền kinh tế bảo đảm, thu ngân sách vượt kế hoạch, nợ công giảm mạnh, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực; đồng thời, kịp thời kiểm soát đại dịch Covid-19, được nhân dân tin tưởng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, có 16/21 chỉ tiêu đạt và vượt, 5 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đã đề ra.

Trong những tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu sự tác động lớn của đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự lãnh đạo sâu sát của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và sự chỉ đạo điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, thành lập Quỹ vaccine phòng chống dịch Covid-19 để tiếp nhận, quản lý và sử dụng. Mặc dù nguồn vaccine trên thế giới gặp khó khăn nhưng tại Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo một mặt vận động viện trợ, mặt khác sản xuất vaccine trong nước. Hiện nay, vaccine của Việt Nam đang trong giai đoạn thử nghiệm, dự kiến đến năm 2022 có đủ vaccine tiêm chủng cho toàn dân. Cùng với đó là việc lãnh đạo thành công cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, quyết liệt thực hiện mục tiêu kép vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội. 

Trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế tăng trưởng đáng mừng, đạt 5,64%, cao hơn mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 (1,82%) , được thế giới đánh giá cao; thu ngân sách đạt 58,2% dự toán; kim ngạch xuất khẩu tốc độ tăng cao, được 3 tổ chức xếp hạng thế giới đồng loạt nâng điểm triển vọng lên mức tích cực; tuy có 7.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ giải thể nhưng đã có hơn 6.000 doanh nghiệp thành lập mới… Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh -19, còn rất nhiều khó khăn. Vừa qua, Chính phủ đã quan tâm, ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20.7.2021 để tập trung cho công tác phòng dịch, giải quyết nhiều vấn đề khó khăn như mua sắm trang thiết bị y tế theo Luật Đầu tư, triển khai các gói hỗ trợ, tập trung cho hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ… Tuy nhiên, gói hỗ trợ của Chính phủ ở một số nơi thực hiện còn chậm, chưa đến được với người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đầu tư công trung hạn còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư mới đạt khoảng 29%, trong khi cùng kỳ năm trước là 34%; việc phát triển du lịch còn hạn chế do tình hình dịch bệnh; trong điều hành ngân hàng, dù chính sách tài khóa, tiền tệ linh động nhưng tỷ lệ nợ xấu còn cao (trên 4%)…

Đoàn ĐBQH các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Trà Vinh và Bà Rịa - Vũng Tàu thảo luận tại tổ
Đoàn ĐBQH các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Trà Vinh và Bà Rịa - Vũng Tàu thảo luận tại tổ

Phân tích rõ thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị, thời gian tới, cần có kịch bản cụ thể để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng đạt chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế đã tăng trưởng 5,64%, trong khi Nghị quyết Quốc hội đưa ra là 6%, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, muốn đạt chỉ tiêu đề ra thì từ nay đến cuối năm tăng trưởng kinh tế phải đạt 6,3%. Muốn vậy, một trong những giải pháp góp phần tăng trưởng kinh tế là việc giải ngân vốn đầu tư công phải nhanh hơn nữa, từ nay đến cuối năm phải đạt khoảng 51%. Bên cạnh đó, bà Yến cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh không bị đứt gẫy; quan tâm, thúc đẩy việc hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn trong đại dịch để giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Song song đó, cần quan tâm hơn nữa xây dựng cơ chế chính sách thống nhất, cụ thể hơn để giải quyết những vấn đề khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết an sinh xã hội. Bà Nguyễn Thị Yến cho biết, một thông tin đáng mừng là xuất khẩu trong những tháng đầu năm tăng do nhu cầu của thế giới tăng cao. Việc sản xuất chưa bị đứt gẫy là một điều kiện thuận lợi. Do đó, cần tiếp tục quan tâm tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản, chế biến, tạo mọi điều kiện xuất khẩu, kêu gọi vốn FDI.

Nhật Trường