Cơ hội giao thương, kết nối doanh nghiệp
Phát biểu tại triển lãm, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Thành phố tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước; riêng trong tháng 11, IIP tăng 9,7% so với cùng kỳ. Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp tại Thành phố trong 11 tháng đầu năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Do đó, chuỗi triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2024 nhằm xúc tiến kết nối giao thương cho doanh nghiệp chuyên ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ. Từ đó, thúc đẩy tiêu thụ nội địa, mở rộng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và lan tỏa xu hướng tự làm (DIY) đến các tín đồ yêu dụng cụ khắp nơi trên thế giới.
Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm nay đã quy tụ nhiều doanh nghiệp, thương hiệu lớn như Sata, Patta, Markewll, Mr Monkey, United Jumbo… Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn cũng có mặt như Vĩ Nghệ, Chổi Sơn Thanh Bình, An Thái Phú, Cơ khí FJ… cùng nhiều thương hiệu khác.
“Có hơn 100 tổ chức, doanh nghiệp thang máy, thang cuốn và phụ trợ trong nước và quốc tế đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Tây Ban Nha, Ấn Độ... tham gia triển lãm và các hoạt động giao thương này”, ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam, nhấn mạnh.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Hồ Sỹ Dũng, Giám đốc marketing Công ty CP Dụng cụ cơ khí xuất khẩu (EMTC) cho biết, với hơn 60 năm xây dựng và phát triển, công ty đang sản xuất hàng ngàn chủng loại sản phẩm cung ứng nhiều nhóm ngành như: phụ tùng ô tô, xe máy; dụng cụ cầm tay, dụng cụ và bếp nướng; thang máy...
Hiện sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang các thị trường như châu Âu, Nhật Bản. Trong nước, EMTC cung cấp phụ tùng cho các hãng Honda, Yamaha, Suzuki, VMEP, Piaggio, Toyota và Ford. Công ty mang đến cho khách hàng những giải pháp tổng thể từ khâu thiết kế, chế tạo khuôn mẫu đến đóng gói hoàn thiện sản phẩm.
Bà Nguyễn Vân Nga, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Công thương phía Nam cho hay, ban tổ chức đã thiết kế tổng số 1.000 gian hàng bao phủ hơn 6.000m² diện tích trưng bày nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu và quảng bá các nhóm hàng hóa. Các gian hàng được thiết kế phân bố theo khu vực và theo các nhóm ngành hàng chính gồm: dụng cụ điện, dụng cụ cầm tay, làm vườn; thiết bị gia cố; ngũ kim xây dựng; thiết bị máy móc sản xuất và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Các sản phẩm trưng bày tại triển lãm có tính ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp, từ chế tạo, sản xuất, sửa chữa, lắp ráp, xây dựng cho đến tiêu dùng DIY.
Doanh nghiệp phải nỗ lực gia tăng năng lực cạnh tranh
Đại diện nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi triển lãm nói trên cho biết, đang có làn sóng đơn hàng từ một số nước trong khu vực dịch chuyển sang Việt Nam. Điều này xuất phát từ những lo ngại của các doanh nghiệp liên quan đến biện pháp đánh thuế được các thị trường lớn dự kiến áp dụng vào đầu năm 2025.
Do vậy, để đón làn sóng đơn hàng xuất khẩu này, bên cạnh tăng tốc tái đầu tư mở rộng sản xuất, theo PGS.TS Phạm Ngọc Tuấn, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi số và hiện đại hóa nhà máy. Đây là giải pháp bắt buộc mà doanh nghiệp cần thực hiện nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay. Bởi chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu chi phí, tăng năng suất và đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Tính đến giữa năm 2024, có hơn 5.000 doanh nghiệp Việt Nam tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số và hơn 13.800 doanh nghiệp đã được đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang thực hiện chuyển đổi số một cách phân mảnh và thiếu tính đồng bộ giữa các phần mềm. Quy trình và vấn đề này cần sớm khắc phục”, PGS.TS Phạm Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Ngọc thông tin, Thành phố đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn giai đoạn 2024-2025. Trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số và các quy trình sản xuất thông minh. Qua đó nâng cao năng lực quản lý chất lượng, năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; kết nối cung - cầu sản phẩm trong nước và quốc tế.
Riêng trong khuôn khổ triển lãm lần này, Sở Công Thương Thành phố phối hợp với các đơn vị tổ chức không gian trưng bày thành tựu khoa học - công nghệ, trình diễn mô hình, sản phẩm mới, giới thiệu các sản phẩm cơ khí và công nghiệp hỗ trợ “made in Việt Nam”. Thông qua đó, tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa của Thành phố tham gia chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá năng lực cung ứng, tăng nhận diện thương hiệu, tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, mở rộng và phát triển thị trường.
Trong khi đó, với xu hướng thương mại toàn cầu đã và đang thay đổi rất nhanh nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu đơn thuần giới thiệu các mã sản phẩm hàng hóa hay tìm kiếm các bạn hàng thông thường thì doanh nghiệp chỉ cần sử dụng thuần thục internet với chi phí tiếp cận thị trường rất thấp và rất tiện.
Tuy nhiên, với việc tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến giao thương trực tiếp, các cơ quan chức năng liên quan đã hỗ trợ doanh nghiệp chắt lọc và duy trì một “sân chơi”, một hệ sinh thái chung cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác lâu dài.
Ở khía cạnh khác, việc kết nối giao thương trực tiếp còn là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận và chuyển giao công nghệ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Ở một góc khác, theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP. Hồ Chí Minh cùng với sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần sớm giải ngân nguồn vốn từ chương trình kích cầu đầu tư. Hiện TP. Hồ Chí Minh đã bố trí 1.500 tỷ đồng để hỗ trợ vốn vay và lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực CNHT. Thế nhưng, việc chậm giải ngân nguồn vốn trên đã khiến nhiều doanh nghiệp không có cơ hội mở rộng sản xuất, từ đó mất luôn cơ hội tiếp cận thị trường.