Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

TRẦN HIẾU thực hiện 18/07/2009 00:00

Bộ NN và PTNT đang triển khai chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. PV báo NĐBND Thứ Bảy vừâa có cuộc trao đổi với PGS.TS TRIỆU VĂN HÙNG, VỤ TRƯỞNG VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, BỘ NN và PTNT về vấn đề này.

- Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực NN và PTNT và thủy sản đến năm 2020 tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?

- Bộ NN và PTNT triển khai Chương trình trên tập trung vào 4 nội dung chính: Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ (R - D), triển khai sản xuất thử sản phẩm (P) trên cơ sở ứng dụng CNSH; Xây dựng tiềm lực phục vụ phát triển và ứng dụng CNSH, bao gồm đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hóa máy móc, thiết bị; Hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNSH.

-  Cụ thể với cây trồng nông nghiệp, mục tiêu mà công tác nghiên cứu đề ra ở đây là gì, thư ông ?

- Với cây trồng nông nghiệp, mục tiêu là nghiên cứu cơ bản về công nghệ gen và công nghệ tế bào: lập bản đồ gen, hệ gen, tách chiết gen, nghiên cứu sự biểu hiện tính trạng của gen biến nạp nhờ các công nghệ chuyển gen khác nhau để tạo cơ sở khoa học cho công tác chọn, tạo giống cây trồng biến đổi gen. Nghiên cứu quy luật hình thành và phát sinh mô sẹo phôi hóa và phôi vô tính ở một số cây kinh tế quan trọng. Triển khai và phát triển công nghiệp vi nhân giống trên quy mô toàn quốc để sản xuất thử sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, đáp ứng tốt nhu cầu về giống cây trồng chất lượng cao, sạch bệnh. Nghiên cứu ứng dụng để sản xuất KIT chẩn đoán một số bệnh của cây trồng. Xác lập “dấu tay di truyền” cho các giống cây đặc sản bản địa của Việt Nam để làm cơ sở cho việc bảo tồn quỹ gen quý hiếm, bảo hộ giống, xây dựng thương hiệu; đánh giá đa dạng di truyền của hệ cây trồng ở Việt Nam.

-  Còn trong lĩnh vực thủy sản, thưa ông ?

- Với lĩnh vực thủy sản, chúng ta phấn đấu kết hợp chọn giống truyền thống với phân tích biến dị ADN và sử dụng kỹ thuật gen để lựa chọn gen quý, ưu việt trong chọn giống các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực quan trọng: tôm sú, cá rô phi, cá tra, tôm càng xanh, cua biển, cá hồng, cá tráp, cá giò, cá song, nghêu...; tạo giống có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt ngon, khả năng kháng bệnh, chịu lạnh cao. Bên cạnh đó là ứng dụng các công nghệ di truyền như chuyển cấy gen, đa bội thể, điều khiển giới tính để tạo ra giống cá rô phi sinh trưởng nhanh, cá rô phi toàn đực, tôm càng xanh toàn đực, tôm sú toàn cái,... Đồng thời, ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra giống tôm sú bố mẹ sạch bệnh, tạo đàn cá tra có tỷ lệ philê cao, thịt màu trắng phục vụ xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh các sản phẩm thủy sản trên thị trường.

- Xin ông cho biết kết quả nghiên cứu bước đầu của chương trình? 

- Đến nay, trong tổng số 54 đề tài, dự án đang triển khai, số đề tài trong lĩnh vực công nghệ gen có 19 chiếm 35,19%, trong đó có 3 đề tài nghiên cứu cơ bản có định hướng ứng dụng. Sản phẩm tạo ra của 3 đề tài nghiên cứu cơ bản đến hết năm 2008 là cơ sở số liệu về đa dạng sinh học của 9 giống gà nội, 3 chủng Agrobacterium phục vụ chuyển gen kháng sâu cho cây ngô, thông và gen sinh trưởng nhanh cho cây xoan. Chương trình đang triển khai 5 đề tài về cây trồng chuyển gen: đậu tương, ngô, thông, xoan ta, bèo tấm. Và bước đầu đã tạo được một số dòng ngô, đậu tương chuyển gen thế hệ T2, dự kiến ngô, đậu tương chuyển gen sẽ được đưa ra khảo nghiệm trong năm 2010 và 2011.

Hiện nay, hai dự án sản xuất thử nghiệm về phân bón vi sinh vật và men ủ vi sinh vật đã hoàn thiện được các qui trình công nghệ sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương. Sản phẩm tạo ra của dự án đã được ứng dụng rộng rãi tại Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ.

Chương trình cũng đã chọn, tạo 11 dòng/giống lúa, 3 giống cam, quýt, bưởi; hoàn thiện một số qui trình công nghệ nhân nhanh giống hoa, cây lâm nghiệp và sản xuất thử nghiệm một số chế phẩm sinh học có triển vọng áp dụng rộng trong sản xuất: 2 loại phân bón vi sinh vật, 2 chế phẩm vi sinh vật xử lý môi trường, 2 chế phẩm sinh học kiểm soát bệnh cây trồng, 2 chế phẩm sinh học sử dụng trong chăn nuôi và 1 chế phẩm sinh học sử dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm. 

- Theo ông, để Chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả, những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ là gì ?

- Theo tôi, một số vướng mắc cần phải tháo gỡ hiện nay là: địa phương, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp cần phải mạnh dạn đề xuất nhiệm vụ. Thứ hai là cơ chế quản lý khoa học công nghệ và cơ chế quản lý tài chính phải đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế có thể tham gia các hoạt động khoa học công nghệ; và khuyến khích chuyển giao, tiếp nhận và nhập khẩu các công nghệ mới, có hiệu quả kinh tế cao để đưa nhanh và ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất.

 - Xin cám ơn Ông !

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO