Hội nghị nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những thành quả quan trọng mà hai nước Việt Nam - Campuchia đã đạt được trong quá trình hợp tác chặt chẽ, nỗ lực cùng nhau giải quyết vấn đề biên giới. Đồng thời, góp phần động viên, khích lệ tinh thần của các lực lượng chức năng và Nhân dân các địa phương khu vực biên giới quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Tỉnh Kiên Giang có đường biên giới trên đất liền 49,677km tiếp giáp với tỉnh Kampot và một phần của tỉnh Tà Keo, Vương quốc Campuchia, có cặp cửa khẩu quốc tế (Hà Tiên - Prek Chak), cặp cửa khẩu chính (Giang Thành - Ton Hon) và 7 đường mòn biên giới; được cắm 28 vị trí mốc chính từ mốc số 287 đến mốc số 314 (trong đó mốc số 314 là cột mốc đặc biệt - cột mốc cuối cùng trên đường biên giới đất liền và tiếp giáp với vùng biển Việt Nam – Campuchia, đã được Thủ tướng 2 nước đồng tổ chức Lễ Khánh thành cấp nhà nước vào đúng ngày kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia (24.6.1967 – 24.6.2012).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết, đến nay tỉnh Kiên Giang đã ký kết, hợp tác với 5 tỉnh, thành của Campuchia gồm: tỉnh Kép, Kampốt, Preah Sihanouk, Koh kong và Thủ đô Phnôm Pênh trên các lĩnh vực như: An ninh, quốc phòng; thương mại; văn hóa, thể thao; du lịch; nông nghiệp, thủy sản; y tế; giáo dục; tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia; giao lưu Nhân dân.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tại 2 cửa khẩu Hà Tiên - Preak Chack và Giang Thành - Ton Hon năm 2022 đạt trên 178 triệu USD. Từ năm 2001 đến nay, tỉnh đã quy tập được 2.074 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh. Từ năm 2022 đến nay, Kiên Giang đã phối hợp với các tỉnh Kampot, Kep, Preah Sihanouk tổ chức thành công các hội nghị sơ kết hợp tác giữa hai bên;phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Campuchia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa.
Đến nay, hai nước Việt Nam - Campuchia ký kết hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc 84% tuyến biên giới trên đất liền, Tỉnh ủy Kiên Giang đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhằm bảo vệ thành quả phân giới cắm mốc; đồng thời hoàn thành lập phương án bồi thường, hỗ trợ diện tích đất của người Việt Nam bị ảnh hưởng sau phân giới cắm mốc và phối hợp tháo dỡ các mốc cũ trên tuyến biên giới. Chỉ đạo phát động phong trào “quần chúng Nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp khu vực biên giới” và hiện đã có 198 hộ dân tự nguyện đăng ký quản lý 49,677km đường biên giới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình khẳng định, việc phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia nói chung và xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước nói riêng luôn được lãnh đạo cấp cao và Nhân dân hai nước quan tâm, coi trọng. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu chính quyền và người dân tỉnh Kiên Giang cần nâng cao hơn nữa nhận thức sâu sắc về vị thế và uy tín của đất nước, của công tác bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia đất nước trong tình hình mới. Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đơn vị, và tình hình thực tế của địa phương nhất là đối với các địa phương. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại, trong đó có công tác tuyên truyền bằng tiếng Khmer, ngôn ngữ các dân tộc ít người ở khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia. Tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ và tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các lực lượng làm công tác tuyên truyền, nhất là lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở như, già làng, trưởng bản, trưởng ấp, người có uy tín trong cộng đồng. Phát huy hơn nữa vai trò đầu mối, lan toả nhằm tuyên truyền, định hướng thông tin của chính quyền, các tầng lớp nhân dân ở các cấp cơ sở, già làng, trưởng bản, cán bộ biên phòng ở khu vực biên giới.