Theo ước tính, số người hiện đang hút thuốc lá tại Việt Nam khoảng 15,4 triệu người (trong đó đa số là nam giới). Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên ở nước ta đang gia tăng nhanh chóng. Theo nghiên cứu về sức khỏe thanh thiếu niên ở nhóm tuổi 13-17 tuổi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ hút thuốc lá điện tử chiếm 2,6% vào năm 2020.
Nghiêm trọng hơn, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi với tỷ lệ là 7,3% so các nhóm tuổi: 25-44 tuổi (3,2%), 45-64 tuổi (1,4%) (nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh năm 2020).
Cùng đó, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tổ chức Y tế Thế giới dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.
Có đến 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Riêng tại Việt Nam, mỗi năm tiêu thụ khoảng 49.000 tỷ đồng để mua thuốc lá theo ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020. Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam khoảng 1% GDP.
Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá như: Thuế thuốc lá; Cảnh báo sức khỏe; Cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; Hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; Xây dựng môi trường không khói thuốc; Truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá…
Những nỗ lực đó đã mang lại một số kết quả về giảm tỷ lệ hút thuốc như: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể tại hầu hết các địa điểm: nơi làm việc giảm 13,3%; trường học giảm 16,4%; trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%;tại gia đình giảm 13,2%. Trong học sinh lứa tuổi từ 13 đến 17, tỷ lệ hút thuốc giảm 50%. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Bên cạnh tăng cường công tác truyền thông, triển khai cấp bách các giải pháp tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với con người và xã hội, ban tổ chức cũng đã đưa ra những kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho các đại biểu là phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí; cán bộ các Sở Thông tin và Truyền thông; Phòng Văn hóa Thông tin.
Để truyền đạt được nhiều thông tin đến với cộng đồng, người viết có thể viết các dạng bài phóng sự, bài phản ánh, bình luận, thì người viết có thể đưa ra những câu chuyện cảm động, nhân vật truyền cảm hứng, mô hình hay để truyền tải thông điệp về tác hại của thuốc lá đến với được người đọc dễ dàng và tăng sự chia sẻ được tốt hơn.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hương - đại diện Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cung cấp nhiều thông tin quan trọng về thực trạng sử dụng thuốc lá (thuốc lá điện tử, thuốc lá đun nóng, shisha) tại Việt Nam gần đây; tình hình thiệt hại và tổn thất nặng nề về kinh tế, sức khỏe, chi phí điều trị y tế do thuốc lá gây ra.
Đặc biệt, gần đây sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, shisha, loại hình gây nghiện đang tác động nặng nề tới sức khoẻ và tinh thần của giới trẻ với hình ảnh quảng cáo đa dạng, bắt mắt, hấp dẫn giới trẻ trên mạng xã hội. Đây là vấn đề bức thiết, đáng lo ngại trong cộng đồng.
Học viên còn được Tiến sĩ Nguyễn Quang Hòa - Giảng viên Học viện Báo chí & tuyên truyền, nguyên Tổng biên tập Báo tuổi trẻ thủ đô truyền đạt những kiến thức, kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người làm báo, người làm công tác tuyên truyền cũng như người dân về tác hại của thuốc lá và cách phòng chống tác hại của thuốc lá hiện nay.