Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn

Đẩy mạnh thu hút người lao động tham gia Công đoàn

- Chủ Nhật, 04/10/2020, 06:42 - Chia sẻ
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười tới. Thẩm tra dự luật này tại phiên họp toàn thể vừa qua, các thành viên Ủy ban về các vấn đề Xã hội đều nhất trí cần thiết phải sửa đổi Luật để thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức Công đoàn, đổi mới tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; đồng thời, phải thu hút mạnh mẽ hơn nữa người lao động và các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh hơn 

Luật Công đoàn năm 2012 ra đời trước khi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua nên có những nội dung của Luật chưa hoàn toàn tương thích với Hiến pháp. Sau Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan đến tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị và hội nhập quốc tế sâu rộng. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và tổ chức công đoàn như: Luật Việc làm (năm 2013), Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014), Luật Doanh nghiệp (năm 2014), Luật An toàn, vệ sinh lao động (năm 2015), Bộ luật Tố tụng dân sự (năm 2015)… Đặc biệt, Bộ luật Lao động vừa được Quốc hội thông qua tháng 11.2019, trong đó có nhiều nội dung mới về quan hệ lao động, về quyền công đoàn tại doanh nghiệp khác biệt so với các quy định của Luật Công đoàn hiện hành. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn để bảo đảm tính thống nhất, sự phù hợp với nội dung của các luật mới ban hành gần đây. Mặt khác, trước yêu cầu hội nhập quốc tế, Luật Công đoàn cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18 ngày 28.9.
Ảnh: Thanh Chi

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật hiện hành, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) nêu vấn đề, Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội ban hành năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 với quy định cho phép sự ra đời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam, mở ra cơ hội tăng số doanh nghiệp có tổ chức đại diện người lao động. Đặt trong bối cảnh đó, yêu cầu đối với dự thảo Luật về bảo đảm cho công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, thu hút mạnh mẽ người lao động và các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia tổ chức Công đoàn Việt Nam càng trở nên thôi thúc hơn. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 19,5% tổng số doanh nghiệp trên cả nước có thành lập công đoàn cơ sở. 

Từ kinh nghiệm hoạt động ở địa phương, đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) cho biết, con số 19,5% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam có thành lập công đoàn cơ sở nếu không được giải thích đầy đủ sẽ không phản ánh đúng thực tế về tính đại diện của Công đoàn Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ đại diện của Công đoàn Việt Nam tại các doanh nghiệp thấp là do đặc thù mô hình doanh nghiệp ở Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp gia đình… hầu như không thành lập công đoàn cơ sở. Đại biểu cũng cho biết, tỷ lệ đoàn viên tham gia tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới. Riêng ở Bình Dương, địa phương có số lượng đoàn viên công đoàn đứng thứ 2 cả nước chỉ sau TP Hồ Chí Minh, mặc dù chỉ có 3.000 tổ chức công đoàn trong tổng số trên 45.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước nhưng tỷ lệ người lao động là đoàn viên của địa phương đã xấp xỉ 800.000 đoàn viên/1.100.000 người lao động trong khu vực có quan hệ lao động, tương đương với khoảng 70%. “Điều này cho thấy tính đại diện của Công đoàn Việt Nam đối với người lao động rất cao”, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh nói.

Hiện, biên chế cho tổ chức công đoàn không có đặc thù gì so với biên chế của các tổ chức đoàn thể khác. Điều này dẫn đến việc tổ chức công đoàn phát triển rộng nhưng không sâu, lớn nhưng không mạnh, gây khó khăn cho tổ chức công đoàn trong hoạt động, thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ, hiện nay chúng ta có chủ trương cải cách hành chính, tinh giản biên chế nhưng riêng tổ chức công đoàn không thể áp dụng cải cách hành chính, tinh giản biên chế vì để vận động người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn thì cán bộ công đoàn phải đến từng nhà trọ để vận động trực tiếp, cũng không thể ứng dụng công nghệ thông tin trong việc vận động người lao động tham gia công đoàn. Nêu lên thực tế này, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh cũng đề nghị, dự thảo Luật cần có cơ chế về mặt con người, cán bộ công đoàn đặc thù so với các tổ chức đoàn thể khác và phải dựa trên số lượng công đoàn viên, số lượng công đoàn cơ sở.

Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương

Hiện nay, công tác tổ chức cán bộ, sự phân cấp quản lý cán bộ công đoàn còn chưa bảo đảm tính chủ động, độc lập cho tổ chức công đoàn trong việc đào tạo, quy hoạch, bố trí và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ công đoàn. Tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, tập trung đông công nhân lao động, song định biên cán bộ công đoàn cũng tương đồng như các địa phương khác. Do đó, việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong quan hệ lao động.

Nhằm hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung Điều 23, quy định việc bảo đảm về tổ chức, cán bộ theo hướng: “Công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ công đoàn để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Công đoàn cấp trên quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách khác sau khi trao đổi với người sử dụng lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy và chức danh cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền”. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể hơn hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam tại Điều 7.

Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho rằng, các ý kiến về nội dung liên quan đến vấn đề tổ chức, bộ máy công đoàn đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cơ bản tiếp thu. Tuy nhiên, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang trình cơ quan có thẩm quyền Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới", nhiều nội dung trong Đề án có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Do đó, Ủy ban đề nghị, phải có ý kiến chính thức của cấp có thẩm quyền để Quốc hội xem xét, thảo luận và quyết định vấn đề này.

Giải trình về khó khăn trong tập hợp, thu hút người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nêu lên 2 nguyên nhân chính. Một là: Doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ về tổ chức Công đoàn; bản thân một số tổ chức Công đoàn ở các địa phương còn thiếu nhân lực và khó khăn về cách thức vận động, tập hợp đoàn viên nên kết quả chưa đạt như mong muốn. Hai là, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, quy mô gia đình hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó mục tiêu hiện nay đang hướng đến là tập hợp người lao động tại các doanh nghiệp có trên 25 lao động trở lên, đúng với tinh thần nghị quyết của Trung ương.

Để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng, chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng, đặc biệt khi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Chính quyền các địa phương cần chú trọng tuyên truyền những lợi ích khi thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, Công đoàn cùng với doanh nghiệp chăm lo đời sống người lao động, tạo động lực để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhật An