Đẩy mạnh quản trị rủi ro

Trâm Anh 15/01/2022 05:40

Theo lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), hoạt động dầu khí tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro mang tính đặc thù như địa chất, kỹ thuật, sản xuất, địa chính trị, biến động giá dầu… Bên cạnh đó, các công ty dầu khí cũng chịu tác động của các yếu tố tiềm ẩn từ hoạt động doanh nghiệp như hệ thống quản lý, tài chính, thị trường, nhân lực kỹ thuật cao, công nghệ… Do vậy, công tác quản trị rủi ro được các doanh nghiệp dầu khí đặc biệt quan tâm và có giải pháp phù hợp, kiểm soát thường xuyên để ứng phó kịp thời khi có rủi ro xảy ra.

Hỗ trợ công tác quản trị chung

Căn cứ tính cần thiết của công tác quản trị rủi ro, Tập đoàn đã thành lập Tổ quản lý rủi ro vào tháng 10.2021. Trước đó, công tác quản trị rủi ro được thực hiện bởi Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo công tác triển khai thực hiện Đề án Quản trị rủi ro tại Cơ quan - Công ty mẹ Tập đoàn từ tháng 7.2020. Việc nhận diện, đánh giá, định lượng và giám sát rủi ro là căn cứ cho doanh nghiệp tham khảo xây dựng mô hình quản lý rủi ro tại doanh nghiệp.

PVN triển khai các giải pháp bảo đảm hiệu quả trong công tác quản trị rủi ro Nguồn: ITN
PVN triển khai các giải pháp bảo đảm hiệu quả trong công tác quản trị rủi ro
Nguồn: ITN

Với mục tiêu đó, Tổ quản lý rủi ro của Petrovietnam đã triển khai phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng Đề án quản trị rủi ro, trong đó, bao gồm Quy chế Quản lý rủi ro trình Hội đồng thành viên phê duyệt; tham mưu, tư vấn cho Ban Điều hành Tập đoàn về các vấn đề trong công tác Quản lý rủi ro (như chính sách, công cụ...); giám sát quản lý rủi ro và thực hiện các biện pháp ứng phó, xử lý rủi ro của các Ban/Văn phòng Tập đoàn; định kỳ hoặc đột xuất thực hiện tổng hợp báo cáo quản trị rủi ro của các Ban/Văn phòng để phân tích, đánh giá và đưa ra ý kiến cảnh báo, khuyến nghị biện pháp phòng ngừa (nếu có); đánh giá tổng thể tính phù hợp, hiệu quả của hệ thống quản lý rủi ro và đề xuất các biện pháp điều chỉnh phù hợp; tư vấn và đưa ra các ý kiến đề xuất/khuyến nghị (nếu có) đối với các hồ sơ theo yêu cầu của Ban Điều hành Tập đoàn.

Mặt khác, điều phối, hỗ trợ các chức năng quản trị rủi ro giữa các ban/văn phòng Tập đoàn khi có phát sinh; lập kế hoạch năm về kiểm tra, giám sát quản lý rủi ro; tổ chức thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt hoặc theo yêu cầu đột xuất của Ban Điều hành Tập đoàn; đầu mối tổ chức phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm nội bộ về quản lý rủi ro; đề xuất các hoạt động đào tạo về công tác quản lý rủi ro...

Trong năm 2021, Tổ quản trị rủi ro đã tổng hợp các báo cáo của các Ban/Văn phòng Tập đoàn để cập nhật danh mục tự nhận diện rủi ro, đề xuất biện pháp quản trị rủi ro theo danh mục đã được nhận diện và đánh giá tình hình thực hiện. Tổng cộng có 13 Ban chuyên môn Tập đoàn đã nhận diện được 350 rủi ro, trong đó, số lượng lớn nhất (67 rủi ro) được nhận diện trong lĩnh vực Công nghiệp khí và lọc hóa dầu và Tài chính Kế toán.

Hiện nay, Tổ quản trị rủi ro đang khẩn trương tiến hành lựa chọn nhà thầu tư vấn xây dựng Đề án quản trị rủi ro doanh nghiệp tại Petrovietnam; trình Tổng Giám đốc Tập đoàn ban hành Quy định về quản lý rủi ro tại Petrovietnam áp dụng cho đến khi Đề án và Quy chế quản lý rủi ro của Petrovietnam được HĐTV Tập đoàn phê duyệt, ban hành và chính thức triển khai thực hiện.

Tiếp tục xây dựng chương trình cụ thể trong năm

Trong năm 2022, Tổ quản trị rủi ro đặt ra các mục tiêu cụ thể như hoàn thành nhiệm vụ về quản trị rủi ro do Tổng Giám đốc Tập đoàn phân công, chỉ đạo. Áp dụng các quy định nhà nước, quy chế Petrovietnam và chuẩn mực quốc tế, hướng dẫn ISO 31000:2009 trong quản lý rủi ro tại Tập đoàn. Đặc biệt là thống nhất, đồng bộ với các bước xây dựng, triển khai Đề án Quản trị rủi ro.

Đánh giá cao nỗ lực của Tổ quản trị rủi ro trong năm 2021 và kế hoạch công tác trong năm 2022, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, Tổ quản trị rủi ro thực hiện nhiệm vụ trọng tâm như tổng hợp công tác rủi ro theo định kỳ, báo cáo thường xuyên và đột xuất khi có những phát hiện quan trọng, xây dựng chương trình làm việc cụ thể từng tháng, dự toán ngân sách đưa vào kế hoạch thực hiện; phần lớn nhân sự tại các Ban cùng chịu trách nhiệm về công tác quản trị rủi ro; kiện toàn hệ thống quản trị rủi ro tại Tập đoàn; tập trung làm việc với đơn vị tư vấn, cần thiết huy động cán bộ, chuyên gia tại các đơn vị thành viên đã có kinh nghiệm trong công tác quản trị rủi ro để triển khai tốt nhất việc quản trị rủi ro với các đặc thù của ngành dầu khí.

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng lưu ý về công tác đào tạo, tổ chức hội thảo cho các thành viên trong tổ quản trị rủi ro, lãnh đạo Tập đoàn và các cán bộ, công nhân viên trong Công ty mẹ - Tập đoàn, xây dựng văn hóa quản trị của Petrovietnam. Theo đó, không chờ đơn vị tư vấn, Tổ quản trị rủi ro phải vừa đào tạo, vừa cập nhật thông tin, kiến thức, bảo đảm công tác quản trị rủi ro không tạo ra rào cản, phải hỗ trợ công tác quản trị chung được hiệu quả, an toàn hơn. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đẩy mạnh quản trị rủi ro
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO