Nhịp cầu

Đẩy mạnh phát triển thủy sản bền vững

- Chủ Nhật, 11/04/2021, 09:09 - Chia sẻ
Để phát triển thủy sản bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng dự thảo Chương trình phát triển thủy sản bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với tổng nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn 2021 - 2025 là 750 tỷ đồng. Mục tiêu là khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững toàn diện các lĩnh vực sản xuất khai thác, nuôi trồng, chế biến và xây dựng kế cấu hạ tầng nghề cá theo hướng bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Phấn đấu trở thành ngành sản xuất hàng hóa mạnh, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc phòng trên vùng biển và hải đảo.

Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân hằng năm đạt 7,6%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 25 triệu USD; tổng sản lượng khai thác đến năm 2025 đạt 260.000 tấn. Giảm tỷ lệ nghề lưới kéo tầng đáy xuống dưới 25%; tăng nghề lưới rê khơi lên 30%, nghề câu lên 18% và nghề vây đạt 13%. Tổng công suất nhà máy chế biến thủy sản đến năm 2025 đạt 30.000 tấn. Tập trung xây dựng hoàn thành cảng cá, khu neo trú bão tàu cá và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại các vùng cửa biển. Xây dựng 1 - 2 chuỗi liên kết sản xuất chế biến - tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Để thực hiện mục tiêu trên, chương trình đề ra 6 nhiệm vụ và 9 giải pháp trọng tâm.

Tại cuộc họp của UBND tỉnh mới đây nghe và cho ý kiến định hướng việc triển khai xây dựng Chương trình phát triển thủy sản bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lưu ý, Chương trình cần đánh giá rõ hiện trạng phát triển của ngành thủy sản của tỉnh, nhận định tình hình, khó khăn, thuận lợi để xây dựng mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp của từng giai đoạn gắn với Quyết định 339 của Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, cần quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản; thứ tự ưu tiên đầu tư phù hợp với nguồn lực; tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Giảm số lượng tàu thuyền, nhất là tàu giã cào. Nghiên cứu trồng cấy san hô để bảo tồn; hạn chế nuôi thủy sản trên cát, tận dụng tối đa các lòng hồ thủy lợi, thủy điện để phát triển các mô hình xóa đói giảm nghèo. Về chế biến thủy hải sản, phải gắn với bảo vệ môi trường. Các giải pháp đề ra phải có sự tham vấn của các nhà khoa học. Về xây dựng cơ chế chính sách, ưu tiên đầu tư trước các cảng cá tạo ra giá trị lớn. Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương tham mưu cho tỉnh làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tham vấn ý kiến trước khi hoàn thiện chương trình, trình UBND tỉnh ký quyết định ban hành.

Thiết nghĩ, những nội dung phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tại cuộc họp, nhất là việc tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; công tác chế biến thủy hải sản phải gắn với bảo vệ môi trường cần đặc biệt được lưu tâm trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện để đẩy mạnh phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn.

HUYỀN LÊ