Ngày làm việc thứ tám, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XIV:

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm

- Thứ Ba, 27/07/2021, 18:55 - Chia sẻ
Chiều 27.7, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Ảnh: Quang Khánh 

Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương

Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên được triển khai thực hiện, là bước đổi mới quan trọng trong quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công trên cơ sở gắn kết giữa kế hoạch trung hạn 5 năm và dự toán hàng năm. Nhiều tồn tại, hạn chế trong đầu tư công của giai đoạn 2011-2015 cũng đã từng bước được khắc phục. Thể chế pháp luật về đầu tư công từng bước được hoàn thiện. Việc phân bổ vốn cơ bản tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức. Cơ cấu lại vốn đầu tư công đạt kết quả bước đầu tích cực, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công được cải thiện. Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được quan tâm, nhất là trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng trong giai đoạn đã phát huy hiệu quả kinh tế xã hội, tạo động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) phát biểu

Ảnh: Quang Khánh 

ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) đặc biệt nhấn mạnh, Luật Đầu tư công được Quốc hội sửa đổi năm 2019 có rất nhiều đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính đã góp phần khắc phục sự chồng chéo của các luật liên quan, từ đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch trong toàn bộ quy trình quản lý đầu tư công, xác định rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, ngành về hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổng vốn ngân sách đầu tư công và cơ cấu vốn đầu tư, nhiều ĐBQH cho rằng, phương án như Chính phủ trình là hợp lý nhằm tạo đà cho phát triển kinh tế trong đại dịch Covid-19 và bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương. Về dự kiến phương án, kế hoạch và đầu tư công, một số ý kiến đồng tình với phương án Chính phủ trình, trong đó, mức vốn bố trí bình quân tăng 2,4 lần so với giai đoạn trước, bố trí vốn dùng cho các dự án, chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã hạn chế đầu tư dàn trải nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công…

Ảnh: Lâm Hiển

Khắc phục tình trạng "dồn vốn" cuối giai đoạn

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng nêu thực tế còn nhiều hạn chế, bất cập trong lĩnh vực đầu tư công vừa qua như: thu hồi vốn ứng trước và thực hiện vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương chưa đạt mục tiêu; quy định pháp luật về đầu tư công điều chỉnh chưa kịp thời so với thực tiễn; bố trí vốn dàn trải, chia cắt, phân cấp, phân quyền chưa rõ dẫn đến tình trạng thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành. Trình tự, thủ tục đầu tư công còn nhiều phức tạp, nhiều cơ quan cùng tham gia dẫn đến chồng chéo, khó thực hiện, tiến độ xây dựng một số dự án trọng điểm còn chậm triển khai, phải điều chỉnh vốn chuyển sang giai đoạn sau.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu

Ảnh: Quang Khánh 

Đa số ĐBQH nhất trí cho rằng, kế hoạch đầu tư công trung hạn phải có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực, vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa cao; các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực, vừa gia tăng động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu - nghèo.

Trên tinh thần khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thời gian qua, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị, Chính phủ tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá các quy định pháp luật có liên quan còn thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, thiếu tính khả thi, từ đó, có đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bảo đảm thể chế, chính sách, pháp luật về đầu tư công được điều chỉnh hoàn thiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Đồng thời, phải có giải pháp quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương trong việc giao kế hoạch và giải ngân vốn, tránh tình trạng việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư và dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm còn chậm, chưa bảo đảm tính ổn định như giai đoạn trước. Đặc biệt, rút kinh nghiệm trong việc nguồn vốn đầu tư lớn được giao dồn vào năm cuối của giai đoạn. Đơn cử như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, có địa phương đến hết năm 2019 mới được giao hơn nửa số vốn và sang đến năm 2020, tức là năm cuối của giai đoạn mới được bố trí phần vốn còn lại khiến địa phương không triển khai kịp, làm giảm hiệu quả đầu tư.  

Để tạo sự thuận lợi, linh hoạt cho công tác giao kế hoạch vốn bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cũng đề nghị, bổ sung việc điều chỉnh chi tiết nguồn vốn ngân sách Trung ương giữa các ngành, lĩnh vực của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong tổng mức vốn của bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã được Quốc hội quyết định.

 ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu

Ảnh: Quang Khánh 

Ở góc độ khác, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nhưng thực tế tỷ lệ giải ngân nhiều công trình, dự án lớn đã được phê duyệt nhưng nhiều năm chưa triển khai thực hiện hoặc chậm tiến độ, chất lượng, chưa bảo đảm, gây lãng phí rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị, cần đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm trong đầu tư công, khắc phục tình trạng giải ngân chậm và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, rà soát nợ xây dựng cơ bản nhằm bảo đảm thanh toán dứt điểm và thu hồi toàn bộ số vốn đã ứng trước.

Quang Khánh