Phát triển kinh tế tập thể:

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực cho sự phát triển

- Thứ Bảy, 21/11/2020, 12:03 - Chia sẻ
Đến nay, cả nước có 27.266 hợp tác xã, 100 liên hiệp hợp tác xã và 115.213 tổ hợp tác, thu hút 10 triệu thành viên. Hàng năm, số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập mới đều tăng và đa dạng về loại hình ở các địa phương gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Chính sự phát triển không ngừng lớn mạnh cả số lượng, chất lượng và quy mô của kinh tế tập thể đã góp phần đóng góp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Hợp tác quốc tế tiếp tục đóng vai trò phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở nước ta
Hợp tác quốc tế tiếp tục đóng vai trò phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở nước ta

Hội nhập để khẳng định và nâng cao vị thế

Để kinh tế tập thể, hợp tác xã có được kết quả phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô như trong thời gian qua là nhờ một phần có sự đóng góp của công tác hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực từ nước ngoài phục vụ cho sự phát triển chung của khu vực kinh tế tập thể. Đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, công tác hợp tác quốc tế tiếp tục đóng vai trò quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở nước ta.

Với vai trò là nòng cốt dẫn dắt kinh tế tập thể hội nhập và phát triển, hiện nay, Liên minh hợp tác xã Việt Nam là thành viên của Liên minh hợp tác xã Quốc tế (ICA), Liên minh HTX Quốc tế khu vực châu Á-TBD (ICA-AP), Tổ chức Nghề cá Quốc tế (ICFO), Tổ chức Hợp tác Nông dân châu Á (AFGC), là đối tác ba bên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về đại diện cho giới sử dụng lao động trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã .… chính nhờ đẩy mạnh hợp tác đã đưa kinh tế hợp tác xã có những bước phát triển sâu rộng trong xu thế hội nhập quốc tế.

Hiện nay, Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 150 tổ chức quốc tế, bao gồm các tổ chức quốc tế chính phủ và liên chính phủ như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA),…

Các hoạt động hợp tác quốc tế của Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố, thời gian qua đã chú trọng huy động nguồn lực của các tổ chức nước ngoài để nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, các hộ nông dân, hộ xã viên và hệ thống Liên minh hợp tác xã các cấp; thúc đẩy các hoạt động kinh tế, sản xuất - kinh doanh, dịch vụ của các hợp tác xã, xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, liên hiệp hợp tác xã chăn nuôi, hỗ trợ phát triển các nhóm yếu thế, các cộng đồng dễ bị tổn thương, tạo việc làm bền vững, phát triển nông nghiệp - nông thôn, các ngành nghề thủ công truyền thống, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ, thanh niên tham gia ngày càng nhiều vào hợp tác xã. Các hình thức hợp tác chủ yếu được thực hiện thông qua các chương trình đào tạo, khóa bồi dưỡng, tập huấn, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu cơ chế chính sách, trao đổi kinh nghiệm, các dự án hỗ trợ kỹ thuật... Mặt khác, các tổ chức quốc tế có điều kiện hiểu biết đầy đủ hơn về phong trào hợp tác xã Việt Nam và Liên minh hợp tác xã Việt Nam. Vị thế và uy tín của Liên minh hợp tác xã Việt Nam được nâng cao trong phong trào hợp tác xã khu vực và thế giới. Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã tranh thủ được nguồn lực bên ngoài để đào tạo, nâng cao trình độ quản lý hợp tác xã cho cán bộ trong hệ thống.

Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục mở rộng và phát triển hợp tác quốc tế phục vụ phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả
Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục mở rộng và phát triển hợp tác quốc tế phục vụ phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả

Khai thác nguồn lực bằng đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Để tiếp tục giữ vai trò nòng cốt và quan trọng phục vụ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã nhanh, hiệu quả, cũng như tiếp tục huy động và khai thác nguồn lực, tăng cường tính chủ động trong xây dựng, duy trì, quan hệ hợp tác và đối tác, thời gian tới, Liên minh hợp tác xã Việt Nam tiếp tục mở rộng và phát triển quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm xây dựng hệ thống vững mạnh, qua đó chủ động có tiếng nói trong các cơ chế hợp tác quốc tế đa phương, mạng lưới các tổ chức quốc tế, các đối tác nước ngoài, thu hút chương trình, dự án tài trợ cho khu vực hợp tác xã  của Việt Nam; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho cán bộ, thành viên hợp tác xã; tổ chức cho cán bộ, thành viên hợp tác xã đi nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm và quảng bá, xúc tiến thương mại hàng hóa và dịch vụ của hợp tác xã ở nước ngoài, đẩy mạnh và đa dạng hóa quan hệ hợp tác thực chất với các đối tác lớn, các liên đoàn hợp tác xã hàng đầu trên thế giới, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, phối hợp trong hệ thống liên minh trong triển khai hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Theo đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng và trình độ hội nhập quốc tế của đội ngũ cán bộ của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam, cũng như tiếp tục hỗ trợ Liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc chủ động, tích cực trong hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực của Liên minh hợp tác xã các cấp với vai trò đối tác ba bên trong việc thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong khu vực hợp tác xã. Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng của lao động trong khu vực hợp tác xã, đặc biệt là kỹ năng cần thiết cho lao động phát triển trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam triển khai liên kết các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm của các hợp tác xã trong nước, khu vực và thế giới… Với việc đẩy mạnh các giải pháp này, kinh tế tập thể kỳ vọng sẽ huy động đa dạng các nguồn lực phục vụ cho các mục tiêu phát triển trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.

Bảo Ngân