Các ĐBQH cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.
Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, dự thảo Luật đã thể chế hoá Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, trong dự thảo Luật đã cập nhật các xu hướng phát triển của đô thị mới. Tuy nhiên, đại biểu Phan Văn Mãi cho rằng, vẫn còn nhiều mô hình đô thị mới như: khu đô thị công nghiệp dịch vụ, đô thị tri thức sáng tạo, đô thị đa trung tâm, đô thị vệ tinh, đô thị ga (gắn với mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng - TOD)… Hay với quy hoạch nông thôn, hiện nay xuất hiện các xu hướng hình thành “làng trong phố”, đô thị xanh, đô thị sinh thái… Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ nhằm quy định đầy đủ, chi tiết các xu hướng phát triển đô thị mới trong dự thảo Luật.
Đô thị hay nông thôn đều phải hướng đến phát triển bền vững. Quan điểm này đã được nêu trong Nghị quyết, chủ trương của Đảng. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Phan Văn Mãi cũng đề nghị, dự thảo Luật cần bảo đảm ứng dụng công nghệ trong quá trình quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, trong xử lý các vấn đề về phát triển đô thị, nông thôn như: xử lý rác, xử lý nước thải, xử lý tình trạng ngập, thích ứng với biển đổi khí hậu… nhằm bảo tồn các yếu tố thiên nhiên, sinh thái, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện nay, quá trình đô thị hóa ở nước ta đang diễn ra rất nhanh. Theo báo cáo của Chính phủ, nước ta có 902 đô thị trên cả nước. ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, chính vì số lượng đô thị rất lớn như vậy nên cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa. Mặc dù dự thảo Luật đã chú ý tới vấn đề này, song theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần phân cấp, phân quyền nhiều hơn, đặc biệt là cho các đô thị loại II cũng như các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hơn nữa, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, tác động lớn đến điều kiện địa lý của các địa phương; cùng với đó, quá trình phát triển của các địa phương cũng diễn ra rất mạnh dẫn đến việc hình thành các mô hình đô thị mới, đòi hỏi cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục cải cách hành chính.
Với những lý do trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, dự thảo Luật cần tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính trong công tác quy hoạch.
Đồng tình với ý kiến cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong xác định các loại hình đô thị, vùng nông thôn, đặc biệt trong tiến hành các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Phan Văn Mãi nhấn mạnh, “trong luật cần phải định ra rất rõ chỗ nào là Trung ương ra quy hoạch, khung chiến lược, khung chính sách còn các vấn đề về thủ tục thì cần giao lại cho các cấp chính quyền thực hiện”.