Dự tọa đàm có: Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính Dương Bá Đức; Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Anh Dũng; Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoài Nam; Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi Kho bạc Nhà nước Lương Thị Hồng Thúy; Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn; Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Đình Thiên.
Nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam Phạm Thu Phong cho biết, để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, duy trì các tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, ước tính đến hết tháng 10, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 47,43% kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với 355.616,1 tỷ đồng mới được “hấp thụ” vào xã hội. Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt 52,03% kế hoạch và đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo đó, ông Phong mong muốn, tại Tọa đàm, các đại biểu đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các bộ ngành, địa phương sẽ cùng trao đổi, thảo luận về các giải pháp để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công; đúc kết, lan tỏa những kinh nghiệm quý, bài học hay trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Thảo luận tại Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính Dương Bá Đức cho biết, ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31.10.2024 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 52,03% kế hoạch và đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó Chương trình Mục tiêu quốc gia là 16.127,2 tỷ đồng (đạt 59,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Ước giải ngân 10 tháng vốn ngân sách Trung ương (54,9%) đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vốn ngân sách địa phương giải ngân còn thấp (50,8%).
Cũng theo ông Đức, trong 10 tháng đầu năm 2024, có 15/44 Bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt. Tuy nhiên, có 29/44 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước,... Việc một số địa phương có kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao nên ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (TP. Hồ Chí Minh được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng chỉ mới giải ngân 19,63%; TP. Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng chỉ giải ngân 44,62%).
Bộ Giao thông Vận tải là một trong những đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao. Tại tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Anh Dũng cho biết, năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến được giao khoảng 75.482 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 10.2024, Bộ đã giải ngân được 47.759 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch. Theo báo cáo của các chủ đầu tư/Ban QLDA, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến năm 2024 sẽ giải ngân được khoảng 75.228 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn giao.
Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật
Chia sẻ một số giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, ông Dũng cho hay, cần tập trung chỉ đạo các Chủ đầu tư/Ban QLDA thường xuyên rà soát kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án và cam kết chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT về tiến độ giải ngân. Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai thi công; phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, khai thác mỏ vật liệu. Đồng thời, theo dõi, giám sát tiến độ giải ngân hàng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn. Từ đầu năm đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh 4 đợt cho 35 dự án, giá trị vốn điều chỉnh gần 3.000 tỷ đồng, để bảo đảm đủ nguồn vốn cho các dự án.
Cũng giống như Bộ Giao thông Vận tải, giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân cao so với trung bình cả nước. Kết quả giải ngân đến nay đạt 65,3 % vốn kế hoạch được giao. Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoài Nam cho rằng, để hoàn thành tiến độ giải ngân vốn đầu tư công Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với các đơn vị thuộc Bộ, các chủ đầu tư để bảo đảm việc quản lý, triển khai và chấp hành đúng quy định của pháp luật; phân công cụ thể lãnh đạo Bộ chịu trách nhiệm về quản lý đầu tư công, Lãnh đạo Bộ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, trong quá trình lập, thẩm định kỹ thuật đến xử lý hiện trường, đã thành lập tổ chuyên gia kỹ thuật của Bộ với nòng cốt là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực để giúp xử lý các vấn đề kỹ thuật bảo đảm công trình an toàn, tiết kiệm chi phí; đồng thời, lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế năng lực tốt, phù hợp với đặc thù từng dự án; lựa chọn đơn vị thẩm tra có năng lực, kinh nghiệm; thực hiện thẩm tra, thẩm định song song, tham gia ngay từ quá trình khảo sát, lập hồ sơ thiết kế để đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị chính quyền địa phương cam kết tổ chức thực hiện hoàn thành theo tiến độ thi công và chi trả phần kinh phí tăng thêm (nếu vượt kinh phí đã duyệt); kịp thời làm việc với lãnh đạo của địa phương nơi có dự án để tháo gỡ các khó khăn.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu đã khẳng định, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là vốn ngân sách địa phương. Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông cao không đồng đều. Một số dự án quan trọng quốc gia, dự án giao thông trọng điểm, liên vùng do địa phương quản lý có tỷ lệ giải ngân thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đạt thấp.
Các đại biểu cho rằng, điểm nghẽn làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tập trung vào các vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; công tác lập, phân bổ kế hoạch; công tác tổ chức thực hiện. Đến nay, nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách (thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa; thiếu các định mức chi phí đối với các dự án không có cấu phần xây dựng; vướng mắc trong các quy định về quản lý đầu tư công, cơ chế đấu thầu,...); vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA,...
Từ nay đến cuối năm không còn nhiều thời gian, trong khi mục tiêu Chính phủ đưa ra là giải ngân phải đạt từ 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là áp lực rất nặng nề cho giai đoạn nước rút này. Theo đó, các đại biểu cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để giải quyết triệt để các vướng mắc cố hữu lâu nay trong giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo việc sửa đổi, thay thế đồng bộ các cơ chế, chính sách có liên quan đến dự án đầu tư công để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ Tám, như: Sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công...