Theo đó, Hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện tốt Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục di sản cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, huy động các nguồn lực để tổ chức hoạt động giáo dục di sản văn hóa đảm bảo tốt nhất lợi ích của học sinh, phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ, đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, di sản giữ vai trò rất quan trọng. Với Việt Nam, di sản là nơi lưu giữ dấu ấn của cội nguồn dân tộc, thể hiện truyền thống yêu quê hương, đất nước, truyền thống đấu tranh bất khuất của các thế hệ ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Thành phố Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước với 5.922 di tích danh thắng (trong đó có 01 di sản văn hóa thế giới - Hoàng thành Thăng Long, 20 di tích quốc gia đặc biệt), 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.206 lễ hội truyền thống; nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc. Rất nhiều di tích có giá trị như: Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan; Chử Đồng Tử; Thành Cổ Sơn Tây; Di tích đền Gióng ở Phù Đổng và Sóc Sơn.
Hà Nội cũng là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với xấp xỉ 2.900 trường học và hơn 2,2 triệu học sinh. Chính vì vậy, ngành giáo dục Hà Nội luôn xác định nhiệm vụ giáo dục di sản cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Cũng theo ông Trần Thế Cương, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện, căn bản về giáo dục, việc sử dụng di sản trong dạy học góp phần quan trọng trong việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học. Giáo dục di sản giúp trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, đạo đức trong sáng. Từ đó mỗi học sinh thêm hiểu, tự hào và có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử, di sản văn hóa cha ông để lại. Đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu di tích lịch sử, di sản văn hóa của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại.
Tại hội nghị, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Văn hoá và Thể thao; Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội; UBND thị xã Sơn Tây; UBND huyện Gia Lâm và UBND huyện Sóc Sơn đã ký thỏa thuận hợp tác phối hợp giáo dục di sản cho học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cụ thể, các nhà trường sẽ tổ chức hoạt động giáo dục di sản văn hóa, di tích lịch sử của địa phương tại các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn; khuyến khích các hoạt động trải nghiệm thực tế để học sinh được tiếp cận trực tiếp với di sản văn hoá, làng nghề truyền thống địa phương. Các em học sinh được trực tiếp tham gia vào các hoạt động lễ hội hoặc một số công đoạn sản xuất sản phẩm truyền thống nhằm giúp học sinh hiểu rõ và trân trọng truyền thống lịch sử, những giá trị văn hóa của địa phương.
Tổ chức thi đố vui để học, thi vẽ tranh, thi hùng biện về văn hóa, di sản của địa phương tại các khu di tích; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành, tham quan thực tế, sưu tầm tư liệu, thực hiện dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng, hoạt động tình nguyện...nhằm gắn lí luận với thực tiễn, tạo hứng thú học tập cho học sinh; nâng cao hiểu biết về thời sự, văn hóa, lịch sử, kinh tế xã hội cho học sinh.
Theo kế hoạch tuyên truyền giáo dục di sản văn hóa cho học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nêu mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, 100% các trường trên địa bàn thành phố tổ chức giáo dục di sản văn hóa tại khu di tích lịch sử, di sản văn hóa địa phương ít nhất 1 lần/năm học..
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đề nghị, các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã; các đơn vị trường học trực thuộc, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tuyên truyền giáo dục di sản văn hóa cho học sinh, triển khai và thực hiện hiệu quả kế hoạch; ưu tiên tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các khu di tích, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, các đơn vị quản lý di tích tăng cường công tác phối hợp, tạo điều kiện để các nhà trường có thể tổ chức đông đảo học sinh đến thăm quan, học tập, trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, về truyền thống văn hóa của dân tộc.