Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam
Độc lập là quyền của một quốc gia, dân tộc có tự chủ, được tự quyết định vận mệnh và con đường phát triển của mình mà không phải phụ thuộc vào bất kỳ một thế lực nào khác. Độc lập của một dân tộc phải được thể hiện toàn diện trên tất cả các mặt, từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong đó, độc lập về kinh tế giữ vai trò quan trọng hàng đầu, bởi đó chính là xương sống của một nền độc lập, chi phối, quyết định đến quyền độc lập trên các lĩnh vực khác.
Độc lập, tự chủ, tự cường về kinh tế được biểu hiện ở việc Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta có toàn quyền lựa chọn và quyết định chế độ kinh tế, đường lối phát triển kinh tế, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế mà không phải phụ thuộc, lệ thuộc vào bất cứ thế lực nào. Bên cạnh đó, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường còn mang ý nghĩa là một nền kinh tế ổn định, bền vững, với cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả; nền kinh tế có năng lực cạnh tranh; cơ cấu xuất nhập khẩu cân đối; có sức chống chịu với những biến động kinh tế phức tạp của khu vực và thế giới; trong mọi tình huống đều có thể cho phép duy trì được các hoạt động bình thường của xã hội và phục vụ đắc lực nhiệm vụ quốc phòng - an ninh… Nói cách khác, đó là một nền kinh tế mà nền tảng, sức mạnh của nó được quyết định bởi các yếu tố nội tại, kết hợp hài hòa với các yếu tố đến từ bên ngoài.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư hiện nay, việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường càng trở nên cần thiết. Đó sẽ là nền tảng để đất nước đương đầu với những sóng gió, thách thức của quá trình hội nhập, tận dụng hết những thời cơ, thuận lợi mà hội nhập quốc tế mang lại để không ngừng nâng cao tiềm lực, vị thế của đất nước.
Tạo ra sự thay đổi toàn diện nền sản xuất xã hội theo hướng hiện đại
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là con đường mà mọi quốc gia trên thế giới đều phải trải qua để đưa nền kinh tế - xã hội phát triển từ trình độ thô sơ, lạc hậu lên văn minh, hiện đại. Tùy vào đặc điểm, bối cảnh lịch sử của từng nước mà quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra sớm hay muộn, nhanh hay chậm. Đối với Việt Nam, với đặc thù của một nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội từ xuất phát điểm là nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, lại phải hứng chịu nhiều tổn thất do chiến tranh, Đảng ta đã sớm xác định phải quan tâm phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động thông qua quá trình công nghiệp hóa. Từ Đại hội VII, trong bối cảnh khoa học công nghệ trên thế giới có sự phát triển mạnh mẽ, Đảng ta đã chính thức đưa vào văn kiện cụm từ “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề này xuyên suốt các kỳ Đại hội cho đến nay.
Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chỉ rõ bản chất, mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội ngày càng dựa nhiều hơn vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn: Công nghiệp sản xuất rô-bốt, ô-tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học (tập trung vào gen, dược phẩm và các chế phẩm sinh học); công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; công nghiệp văn hóa.
(Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045)
Thông qua quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước ta mới có thể tạo ra sự thay đổi toàn diện nền sản xuất xã hội theo hướng hiện đại, làm tăng năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Đó cũng chính là quá trình củng cố tính độc lập, tự chủ, tự cường của nền kinh tế đất nước, góp phần quyết định tới thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa là sự tổng kết, đánh giá kết quả, thành tựu đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân; những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời gian qua. Cùng với đó là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, việc Đảng ta ban hành Nghị quyết cũng đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi rất bức thiết của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh tình hình mới. Sau những tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng do hệ quả từ cuộc xung đột Nga - Ucraina. Nền kinh tế nước ta đang đứng trước cả những thời cơ và thách thức to lớn. Hơn lúc nào hết, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải được tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả hơn nữa để góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ, tự cường, củng cố vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Nghị quyết không chỉ khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng ta trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, mà còn là cơ sở để chúng ta đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường các tiềm lực để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.