Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch nhiều
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng hơn 13.000 cơ sở chế biến nông sản. Trong đó, 614 cơ sở giết mổ tập trung, 5.229 cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản (đa ngành); 3.369 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật, gần 4.000 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn. Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp chia sẻ, dù số lượng cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản của nước ta hiện nay khá lớn, song trình độ chế biến chỉ mới ở mức trung bình và nhỏ. Hơn nữa, việc chế biến còn phụ thuộc vào mùa vụ nên phần lớn các nhà máy chưa hoạt động hết công suất, có thời điểm chưa tiêu thụ hết sản phẩm khi vào mùa vụ, nên vẫn còn xảy ra tình trạng thất thoát sau thu hoạch với tỷ lệ lớn. Cụ thể như đối với rau màu, tỷ lệ thất thoát từ 25 - 30%.
Đơn cử tại tỉnh An Giang, những năm gần đây sản lượng nông sản, lương thực, thực phẩm được sản xuất rất dồi dào, phong phú về chủng loại, tuy nhiên, thất thoát sau thu hoạch lại chiếm tỷ lệ cao. Một trong những nguyên nhân là do các nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân chưa quan tâm ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch, thiếu hệ thống bảo quản chế biến sau thu hoạch thích hợp, tỷ lệ chế biến thấp, gây thất thoát. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Ô Lâm Bùi Xuân Điện cho biết, HTX có khoảng 50ha trồng xoài với các loại xoài keo, xoài thanh ca, xoài Úc, xoài tượng da xanh… sản lượng bình quân 500 tấn/năm. Tuy nhiên, sau mỗi đợt thu hoạch, sản lượng xoài thất thoát do dập, úng, côn trùng gây hại chiếm khoảng 5 - 7%. Đặc biệt, vào những thời điểm xoài rớt giá, tỷ lệ thất thoát lên 70 - 80%. Do không có công nghệ bảo quản hoặc chế biến, nên khi giá xoài giảm, nông dân bỏ mặc, không thu hoạch, bởi chi phí thu hoạch cao hơn giá thành bán ra.
Tại TP. Hà Nội, những năm qua đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ sản xuất tăng cường đầu tư cho công nghệ chế biến nông sản. Đến nay, toàn thành phố có trên 250 doanh nghiệp chế biến nông sản, cùng với đó là hàng nghìn cơ sở có quy mô nhỏ và vừa, thực hiện sơ chế, bảo quản thực phẩm phục vụ tiêu dùng của địa phương… Dù đã có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng theo đánh giá của Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Số lượng doanh nghiệp tham gia ít, phần lớn những cơ sở chế biến có quy mô nhỏ và vừa, thiết bị máy móc lạc hậu, chủ yếu vẫn là công nghệ chế biến thủ công. Hệ thống bảo quản các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Hà Nội vẫn còn khiêm tốn. Do đó, việc thất thoát nông sản sau thu hoạch là không tránh khỏi.
Gỡ vướng chính sách, thúc đẩy liên kết
Thực tế, sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong nước đã xuất khẩu trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu (EU), Nhật Bản... Trong đó EU là thị trường tiềm năng của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết. Tuy nhiên, nông sản xuất khẩu chủ yếu xuất thô do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản; chưa đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Đánh giá của Viện Công nghệ sau thu hoạch cho thấy, tỷ lệ nông sản chế biến đạt chất lượng quốc tế đến nay mới đạt khoảng 10% và số doanh nghiệp chế biến nông sản đăng ký chất lượng sản phẩm hiện mới đạt khoảng 15%.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, một số cơ chế, chính sách khó thực hiện vào thực tiễn, điển hình là chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng rất khó tiếp cận, nhiều rào cản. Ngoài những vướng mắc trong cơ chế chính sách, nhiều nhà quản lý cho rằng, để nâng cao năng lực chế biến, cấp thiết cần phải tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung, tiến tới xóa bỏ hình thức canh tác nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm “sáng tươi, chiều héo” còn phổ biến.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tăng năng lực xuất khẩu ngành nông sản Việt Nam, cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, đặc biệt hỗ trợ về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm đến các chương trình hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước trong việc ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch để gia tăng giá trị xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường trọng điểm cho doanh nghiệp nông sản.
Đánh giá vấn đề này, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh, để phát triển hệ thống chế biến nông sản theo hướng hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi phải giải quyết hàng loạt vấn đề từ xác định thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó là cơ chế, chính sách, nguồn vốn, công nghệ... Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ tiếp tục tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương hỗ trợ đầu tư mới và mở rộng công suất các cơ sở chế biến đối với những ngành hàng có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng tỷ trọng nông sản có giá trị gia tăng cao, tăng sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường.
(Chương trình có sự phối hợp của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường)