Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nông nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác phát triển kinh tế số nông nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi địa phương phải sớm có những giải pháp cụ thể.
Chìa khóa cho sự phát triển bền vững
Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, chuyển đổi số đang là chìa khóa để các địa phương ở Quảng Ngãi đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình mới, cách làm hay được nâng lên và trở thành phong trào. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều hơn các cánh đồng tưới tự động, trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, bơm thuốc bằng thiết bị bay không người lái…
Các hợp tác xã cũng đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, truy xuất nguồn gốc và thương mại sản phẩm ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt để nông sản được chứng nhận VietGAP, OCOP... Giá trị thu nhập trên một hecta đất canh tác ứng dụng công nghệ cao tăng gấp từ 1,5 lần đến 2 lần trở lên so với canh tác truyền thống, đồng thời giảm chi phí sản xuất, nhân công lao động, tạo ra nông sản an toàn.
Thống kê cho thấy, Quảng Ngãi hiện có hơn 10.000ha rau màu được hợp tác xã, nông dân vận hành tưới tự động, hình thành nhiều vùng nguyên liệu có quy mô lớn với năng suất, sản lượng nông sản gia tăng; xây dựng 13 mã số vùng trồng nội địa, nhiều nông sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Trong đó, có 130 sản phẩm OCOP được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Quang Trung cho hay, cơ sở dữ liệu là nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số, không có dữ liệu thì không có chuyển đổi số, không có dữ liệu cũng không có quản lý trong thời đại số. Thời gian qua, Sở đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu. Đến nay, đã cung cấp 50 dịch vụ công trực tuyến; phần lớn các dịch vụ công trực tuyến đều phát sinh hồ sơ và được giải quyết đúng thời hạn; đã xây dựng nhiều hệ thống phần mềm quản lý vùng trồng cơ sở đóng gói quản lý vùng nuôi và trang trại nuôi giúp hiện đại hóa công tác chỉ đạo điều hành trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm sản, thủy lợi; khai thác hiệu quả các nền tảng số và cơ sở dữ liệu sẽ tạo ra bước đột phá trong sản xuất và quản lý ngành nông nghiệp.
Sở NN-PTNT cũng đang tập trung xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu của ngành để kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở, khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình sản xuất tiến tới tích hợp minh bạch sản phẩm bằng hệ thống quét mã QR sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu để nâng cao năng lực quản lý, kịp thời có chính sách phát triển nông nghiệp.
Đưa sản phẩm chủ lực lên sàn thương mại điện tử
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, ứng dụng trong chuyển đổi số về công tác quản lý, điều hành của ngành nông nghiệp để kịp thời phát hiện những cái ưu cũng như cái khuyết, từ đó kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành các cơ chế chính sách để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Thứ hai, đó là phấn đấu 100% các thủ tục hành chính liên quan đến ngành nông nghiệp sẽ được thực hiện qua hình thức trực tuyến. Thứ ba đó là về số liệu, dữ liệu thì Sở muốn kết nối, chia sẻ, đồng thời cập nhật từ tỉnh đến huyện, xã để trong quá trình tổ chức điều hành quản lý ngành một cách xuyên suốt, thuận lợi. Thứ tư đó là phấn đấu các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh Quảng Ngãi sẽ được đưa lên sàn thương mại điện tử của tỉnh Quảng Ngãi cũng như các tỉnh.
“Chuyển đổi số sẽ giúp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, giúp cho vùng nông thôn và người nông dân ở Quảng Ngãi bắt kịp xu hướng thời đại, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn từ năm 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050” - đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi nhấn mạnh.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở NN-PTNT cũng nhìn nhận, công tác chuyển đổi số, đặc biệt phát triển kinh tế số nông nghiệp của địa phương còn hạn chế về hạ tầng công nghệ, gây khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Nguồn dữ liệu về nông nghiệp còn rời rạc, chưa được số hóa và quản lý một cách tập trung, đồng bộ, khiến cho việc triển khai các hệ thống phân tích, dự báo và ra quyết định trở nên khó khăn; vấn đề bảo mật thông tin dữ liệu nông nghiệp chưa được chú trọng đầy đủ; kỹ năng về sử dụng, khai thác các sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử còn nhiều hạn chế…
Nhưng đi cùng với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nhu cầu gia tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất, số hóa nông nghiệp trở thành hướng đi tất yếu để đưa nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững hơn.