Dạy con bằng sách
Mỗi trẻ em một cá tính, một thế giới riêng. Để trẻ yêu sách, có rất nhiều cách nhưng cũng không có công thức cụ thể nào. Chỉ có điều, các bậc phụ huynh cần thấy được giá trị của đọc sách, thì mới có thể hướng con em mình đến với sách.
Mỗi trang sách một cuộc đời
Việc dạy con bằng sách được hiểu qua 2 khía cạnh. Thứ nhất, bố mẹ đọc những cuốn sách về kỹ năng nuôi dạy con nhằm nâng cao kiến thức làm cha mẹ, để từ đó có thêm nền tảng khoa học, kinh nghiệm nuôi dạy con phù hợp. Thứ hai, bố mẹ đọc sách cùng con nhằm hỗ trợ con về ngôn ngữ, đồng thời giáo dục, nuôi dưỡng tình yêu thương, lòng bác ái. Nhà báo, tác giả cuốn sách Mỗi ngày 15 phút yêu con Phạm Thị Hoài Anh chia sẻ: “Những câu chuyện trong sách luôn truyền tải thông điệp nào đó về cuộc sống. Tôi sẽ không dạy con nhân vật nào đó là tốt, hay nhân vật nào độc ác mà muốn con tự đưa ra nhận định. Đôi khi trẻ có những cái nhìn thú vị mà người lớn không nhìn ra được. Qua đó bố mẹ thấy được sự phát triển trong tư duy của trẻ.
![]() Ảnh: C. Vân |
Thông qua khuyến khích trẻ đọc sách và cùng đọc sách với trẻ, cha mẹ sẽ góp phần dạy trẻ tự phân biệt những điều tốt xấu trong cuộc sống. Thế giới quan của trẻ được mở rộng, thông tin tiếp nhận được sẽ thẩm thấu vào trí não trẻ một cách tự nhiên và hiệu quả nhất. Chuyên gia giáo dục, TS. Nguyễn Thụy Anh chia sẻ: “Ban đầu tôi xây dựng cuộc sống xung quanh con mình bằng cách viết những câu chuyện về con để khơi gợi sự gần gũi với cuộc sống xung quanh. Thơ tôi đọc cho con cũng lớn dần lên như chính đứa trẻ, từ những bài đồng giao dân gian, đến những bài thơ nhận biết đồ vật, cách ứng xử lễ phép... Cứ thế đến khi 2 - 3 tuổi, cháu đọc thuộc và điều chỉnh hành vi lúc nào mẹ không hay. Tôi quan niệm rằng không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng là một tờ giấy trắng mà người lớn muốn viết thế nào thì viết. Bên trong mỗi đứa trẻ đã chứa đựng một phần nào đó của sự tò mò, ham hiểu biết về thế giới xung quanh. Chính vì lẽ đó mà việc kể những câu chuyện về thế giới qua những trang sách đối với một đứa trẻ như thể cha mẹ đang viết một cuốn sách về chính cuộc đời chúng”.
Yêu thương và gắn kết
Rèn luyện kỹ năng đọc sách cho trẻ bao gồm: Xây dựng văn hóa đọc; hình thành sở thích đọc và cuối cùng là rèn luyện kỹ năng đọc. Điều này cần có sự can thiệp của người dẫn dắt, mà cụ thể là bố mẹ. Đồng thời, chính bố mẹ cũng phải là những người đam mê đọc sách thì mới có thể truyền cảm hứng cho con. Chị Phan Hồ Điệp, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam là một tấm gương trong việc tận dụng tối đa tác dụng của sách. Ngoài đọc sách cùng con, chị còn tổ chức các trò chơi, hỏi đáp xung quanh cuốn sách. Nhờ vậy mà con trẻ được sống cùng những câu chuyện trong sách. Với chị Phan Hồ Điệp, chú trọng khai thác một cuốn sách ý nghĩa hơn là đọc cho con bao nhiêu cuốn sách mỗi ngày.
Có nhà văn nói rằng việc được “trốn” vào trong những cuốn sách như lạc hẳn vào thế giới khác, nơi tâm hồn mỗi người sẽ được nuôi dưỡng bằng những điều bổ ích, lý thú, những bài học tốt đẹp. Sách như một góc riêng trong tâm hồn mỗi người. Đọc sách đôi là khơi gợi cảm xúc, chứa đựng những kỷ niệm khó quên. “Tôi vẫn nhớ cảm xúc được bố mua cho cuốn sách đầu tiên, mùi giấy mới, tiếng sột soạt mỗi lần khẽ lật sang trang... Qua câu chuyện về sách, chưa nói đến xây dựng văn hóa đọc, nhưng ở đây, tôi thấy nó xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa bố mẹ, con cái và gia đình” - TS. Nguyễn Thụy Anh chia sẻ. Đồng quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên ĐHQG Hà Nội, dịch giả cuốn Giải mã Hàn Quốc cho biết: “Khi còn nhỏ, tôi không được tiếp xúc nhiều với sách vì lúc đó sách rất hiếm, mượn được một cuốn sách tử tế để đọc rất khó khăn. Nhưng may thay trong gia đình, bố tôi là người rất quý trọng sách, sự quý trọng đó truyền qua cho tôi. Từ những việc nhỏ nhặt như bọc sách, giữ sách cẩn thận đã giúp tôi rèn cho bản thân tình yêu với sách”.
Bản thân việc chọn mua sách, rồi giữ gìn những cuốn sách ấy cũng là một kĩ năng sống cho trẻ con, khiến đứa trẻ có đời sống phong phú hơn. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng: “Bất kể chúng ta giàu hay nghèo, thì chúng ta cũng chỉ có một cuộc sống để cho con. Nhưng nếu con được đọc sách thì nó sẽ có nhiều cuộc sống, có nhiều trải nghiệm. Và bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ ở bên con liên tục thì những lúc không cha mẹ ở bên, những gì con đọc được, nhớ được sẽ là người bạn đồng hành tốt nhất cho chúng”.