Thông tin trên được nêu ra tại Báo cáo “Đầu tư đổi mới sáng tạo và đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025” công bố ngày 22.4, trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025. Báo cáo do Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân Việt Nam (VPCA), Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) phối hợp thực hiện.
Gần 150 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động
Báo cáo nêu rõ, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới, nơi đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ trở thành trọng tâm trong việc kiến tạo tương lai đất nước. Từ một thị trường mới nổi, Việt Nam nay đã vươn lên trở thành điểm đến chiến lược cho dòng vốn đầu tư công nghệ tại Đông Nam Á, được dẫn dắt bởi khát vọng của cộng đồng doanh nhân và định hướng chiến lược từ Chính phủ.
Động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình này chính là Nghị quyết số 57-NQ/TW – một dấu mốc mang tính định hướng cho sự bứt phá trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế tri thức, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực cốt lõi để thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Trong năm 2024, bất chấp nền kinh tế toàn cầu suy giảm và thị trường vốn thắt chặt, Việt Nam vẫn ghi nhận 2,3 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân được giải ngân qua 141 thương vụ, giảm 35%. Dù vậy, số lượng thương vụ ở cả mảng đầu tư mạo hiểm (VC) và vốn cổ phần tư nhân (PE) vẫn tương đối ổn định, cho thấy các nhà đầu tư vẫn duy trì sự quan tâm đối với tiềm năng dài hạn của Việt Nam.
Theo đó, gần 150 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động trong năm 2024, chủ yếu đến từ Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. Các thương vụ dưới 500.000 USD tăng 73%, cho thấy sức bật trở lại của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Đầu tư mạo hiểm ở các vòng gọi vốn giai đoạn đầu tăng trở lại. Trong năm 2024, các giao dịch trị giá 0,5 triệu USD hoặc nhỏ hơn phục hồi, với số lượng giao dịch tăng lên 57 sau đà giảm năm 2023. Giá trị đầu tư ở quy mô từ 3 - 50 triệu USD vẫn ổn định, cho thấy các công ty giai đoạn đầu tiếp tục huy động được vốn.
Dòng vốn duy trì ổn định vào các công ty có quy mô và độ trưởng thành cao. Các thương vụ mua lại chiếm tỷ trọng lớn, với tổng giá trị đạt 1,7 tỷ USD, phản ánh xu hướng ưu tiên của nhà đầu tư dành cho các doanh nghiệp trưởng thành và tạo dòng tiền ổn định. Các thương vụ quy mô trung bình (100 – 300 triệu USD) phục hồi rõ nét, khi tổng vốn đầu tư tăng 2,7 lần lên 700 triệu USD, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang dần cải thiện đối với các giao dịch quy mô lớn.

Hệ sinh thái AI sẵn sàng cho bước phát triển vượt bậc
Các ngành công nghệ cao và bền vững dẫn đầu xu hướng đầu tư. Vốn đầu tư vào các lĩnh vực như tự động hóa doanh nghiệp dẫn đầu mức tăng trưởng (tăng 562%), lên 84 triệu USD, cho thấy sự tập trung ngày càng tăng của Việt Nam vào các công nghệ nâng cao năng suất. Nông nghiệp là lĩnh vực được đầu tư nhiều thứ hai, tăng 857%. Dịch vụ tài chính đứng thứ ba dù vốn đầu tư vào lĩnh vực này giảm mạnh 61%, do thị trường bão hòa và sự thay đổi trong mối quan tâm của nhà đầu tư.
Cũng theo báo cáo, vốn đầu tư vào các công ty AI đã tăng mạnh từ 10 triệu USD vào năm 2023 lên 80 triệu USD vào năm 2024, mức tăng đột phá gấp 8 lần.
“Ngoài tự động hóa, AI đang nhanh chóng mở rộng sang các lĩnh vực như tài chính, y tế và thương mại điện tử, thúc đẩy quá trình ra quyết định thông minh hơn và tăng hiệu quả vận hành. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, nguồn nhân lực dồi dào và sự gia tăng ứng dụng trong doanh nghiệp, hệ sinh thái AI Việt Nam đang sẵn sàng cho bước phát triển vượt bậc”, báo cáo nêu.
Báo cáo cũng nêu bật nhiều hướng tạo giá trị cho nhà đầu tư, bao gồm: hợp tác với các doanh nghiệp dẫn đầu trong nước để mở rộng ra khu vực ASEAN; đầu tư vào các startup số giai đoạn đầu, đặc biệt trong AI, tự động hóa và nông nghiệp công nghệ cao; số hóa các ngành truyền thống còn phân mảnh; tập trung vào công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, và logistics bền vững; xây dựng hạ tầng thông minh và dịch vụ công số tại các đô thị cấp hai.
Giám đốc Toàn cầu khối Đầu tư tài chính tại BCG Ben Sheridan nhìn nhận, “chúng ta đang bước vào giai đoạn hoàng kim của vốn tư nhân tại Việt Nam”. “Báo cáo này chính là kim chỉ nam chiến lược cho những bước đi sắp tới”, ông nói.
Lần đầu được công bố vào năm 2020 bởi Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và Do Ventures dưới tên gọi Báo cáo Đổi mới sáng tạo và công nghệ Việt Nam, ấn phẩm ban đầu tập trung vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.
Phiên bản 2025 do Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân Việt Nam, NIC và Tập đoàn Tư vấn Boston phối hợp thực hiện đã mở rộng phạm vi bao gồm cả đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân. Báo cáo cung cấp các góc nhìn thực tiễn cho nhà đầu tư tổ chức, nhà quản lý quỹ, doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà hoạch định chính sách trong quá trình định hướng thị trường vốn tư nhân đang phát triển nhanh tại Việt Nam.