Bày tỏ đồng tình và thống nhất cao với báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, song đại biểu Thái Văn Thành cho rằng: việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 nên theo hướng quán triệt sâu sắc tiếp cận hệ thống và tiếp cận lịch sử; bảo đảm tính hệ thống của lát cắt cả chiều dọc, chiều ngang và độ sâu sắc của giá trị văn hóa dân tộc; từ đó xây dựng mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và nội dung thành phần của chương trình mới, bảo đảm tính hệ thống, logic, hiệu quả, khả thi và thực tiễn; đồng thời đầu tư mới đúng trọng tâm, trọng điểm và phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam hiệu quả.
Cũng theo đại biểu Thái Văn Thành, cần nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh về mục tiêu tổng quát theo quan điểm và cách tiếp cận của Ban soạn thảo; bởi, thực tế chương trình xây dựng đang thực hiện hệ thống “tam hóa” trong văn hóa Việt Nam. Đó là, hiện đại hóa văn hóa Việt Nam (từ truyền thống đến hiện đại); quốc tế hóa giá trị văn hóa Việt Nam ra trường quốc tế; Việt Nam hóa tinh hoa văn hóa nhân loại cho phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhận định trong dự thảo còn có một số nội dung về mục tiêu tổng quát chưa rõ ý, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị: việc xây dựng mục tiêu cụ thể nên bảo đảm tính logic theo hệ thống “tam hóa” văn hóa Việt Nam và cụ thể hóa trên cơ sở mục tiêu tổng quát. Đơn cử mục tiêu tổng quát nêu: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam…”, đại biểu cho rằng nên diễn đạt lại thành: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và con người Việt Nam, đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh, nhân văn, dân chủ, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam”.
Trước nhận định trên, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị cần có giải pháp chi tiết, gắn với lộ trình cụ thể (ở các mục tiêu 2, 4, 5, 6, 9). Đặc biệt, ở mục tiêu 9 cần bổ sung chỉ tiêu (nguồn lực) các địa phương giao lưu văn hóa quốc tế, phù hợp với quan hệ, tiềm lực, truyền thống văn hóa, bản sắc, hệ giá trị… nhằm tăng cường, quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế.
“Khi xây dựng mục tiêu cụ thể (9 mục tiêu) cần nêu rõ chỉ số % để minh chứng cho tính khả thi (trang phụ lục): Nội dung mục tiêu, phương thức thực hiện, năng lực của chủ thể và điều kiện của người thụ hưởng, nguồn lực, thời gian, môi trường triển khai…; đặc biệt, quan tâm hơn đến văn hóa số, phát triển, quản lý văn hóa số trong kỷ nguyên số, kinh tế số, xã hội số”, đại biểu nhấn mạnh.
Liên quan đến việc xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và ban hành cơ chế đặc thù cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, đại biểu Thái Văn Thành nhấn mạnh: Đây là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, đối với việc xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, đề nghị thực hiện “thí điểm” trong thời hạn từ 3 - 5 năm để có tổng kết đúc rút kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời, Ban soạn thảo cần xây dựng các tiêu chí (đối với cơ chế đặc thù) để có cơ sở áp dụng thực hiện tốt hơn.