Đầu tư tăng nhưng chất lượng hạn chế
Ngân sách nhà nước dành cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng ngày một tăng nhưng chất lượng những dịch vụ này còn hạn chế. Đây là nhận định của báo cáo “Chi tiêu công cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng ở một số tỉnh tại Việt Nam - Một số quan sát và khuyến nghị” được Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TƯ (CIEM), Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) công bố hôm qua, 11.11.
Chi tiêu công ngày một tăng
Nghiên cứu được CIEM, AAV và các đối tác thực hiện tại 7 địa phương, cả thành thị và nông thôn, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Trà Vinh, Cao Bằng, Hà Giang và Đắk Nông, từ tháng 7 - 9.2016. Kết quả nghiên cứu đã tái khẳng định vai trò của Nhà nước trong xây dựng các chương trình đầu tư công, nhất là ở những khu vực khó khăn. Chi ngân sách cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng ngày càng được ưu tiên và độ bao phủ của chính sách không ngừng được cải thiện.
Tổng chi cho y tế/GDP có xu hướng tăng. Tỷ trọng của chi công trong tổng chi cho y tế cũng tăng từ 31% năm 2000 lên 54,1% năm 2014. Cũng trong khoảng thời gian này, chi cho y tế trong tổng chi công của cả nước tăng từ 7,2% lên 14,2%, hoàn thành mục tiêu của kế hoạch y tế 2011 - 2015. Báo của CIEM và AAV cho rằng, so với một số quốc gia khác, tỷ lệ chi cho y tế/GDP của Việt Nam tương đối cao. Bên cạnh đó, Nhà nước đã mở ra cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia vào cung ứng dịch vụ y tế, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Tương tự, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo cũng liên tục tăng. Năm 2001, tỷ trọng chi công cho lĩnh vực này so với GDP đạt 4,1%, năm 2012 tăng lên mức 5,7%. Năm 2015, tổng nguồn ngân sách nhà nước dành cho giáo dục - đào tạo là 224,8 nghìn tỷ, chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước (trong đó chi thường xuyên khoảng 184 nghìn tỷ, chiếm khoảng 82%). Chi tiêu công cho giáo dục - đào tạo của Việt Nam cũng ở mức khá cao so với nhiều nước, kể cả các nước có trình độ phát triển cao hơn.
![]() Hội thảo công bố Báo cáo chi tiêu công cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng ở một số tỉnh tại Việt Nam - Một số quan sát và khuyến nghị |
Ảnh: N. Sơn |
Ở lĩnh vực giao thông công cộng, giai đoạn 2011 - 2015 vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 37,8% tổng vốn đầu tư cho giao thông, vốn trái phiếu Chính phủ là 29,7%, huy động ngoài ngân sách 32,4%. Đáng lưu ý là vốn ngoài ngân sách cho giao thông tăng mạnh (trung bình 47,8%/năm). Cũng trong giai đoạn này cả nước đã huy động được trên 186 nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông nông thôn.
Người dân phải được tham gia thực chất
“Chính sách của Nhà nước đã được xây dựng và thực hiện khá bài bản với mục tiêu bảo đảm để người dân tiếp cận về y tế, giáo dục đầy đủ hơn, chất lượng hơn, nhưng hầu hết người dân lại không được biết mục tiêu của chương trình này. Vì vậy, họ đơn thuần là hưởng lợi từ hoạt động ấy nhưng việc góp ý, kiến nghị để điều chỉnh các hình thức hỗ trợ lại chưa được tham gia nhiều. Đây là điểm tương đối đáng tiếc”. Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) Nguyễn Anh Dương |
Báo cáo của CIEM và AAV nhận định: Tuy chi tiêu công cho y tế, giáo dục, giao thông công cộng ngày một tăng nhưng chất lượng các dịch vụ này còn hạn chế. Trong lĩnh vực y tế, khó khăn về đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến cơ sở (vừa thiếu, vừa yếu) ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của nhóm cận nghèo còn thấp, dẫu được hỗ trợ 70% mệnh giá bảo hiểm trở lên. Về giáo dục, phần lớn là kinh phí chi thường xuyên, đầu tư để cải tiến chất lượng giáo dục còn hạn chế. Các cơ sở đào tạo được giao tự chủ tài chính nhưng không được giao tự chủ mức thu học phí, do đó việc tự chủ tài chính chưa thực chất.
Bên cạnh đó, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng không đồng bộ với hỗ trợ về dịch vụ, người dân không được biết đến và không được giám sát chất lượng các hỗ trợ này. Chẳng hạn, mặc dù người dân đóng góp đến 15% tổng số vốn các đường liên thôn, liên xã nhưng việc người dân tham gia xây dựng quy hoạch và giám sát các công trình này nhiều nơi chỉ là hình thức. Báo cáo cho biết, chưa đầy 1% người dân được khảo sát biết về chương trình hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động trợ cước, trợ giá vận chuyển ưu tiên cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM, trưởng nhóm thực hiện nghiên cứu, ngân sách nhà nước vẫn đóng vai trò rất quan trọng, nhất là ở khu vực miền núi, khu vực khó khăn, vì vậy cần duy trì hỗ trợ ngân sách cho giao thông, y tế, giáo dục ở những khu vực này. Trong giai đoạn 2016 - 2020, cần duy trì tỷ lệ chi cho các lĩnh vực thiết yếu nói trên, ngay cả khi thực hiện cắt giảm chi ngân sách nói chung. Ông Dương cũng đề cập đến việc phải điều chỉnh cách thức triển khai chi tiêu công theo hướng nâng chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của người dân. Muốn vậy, phải tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân trong cung ứng dịch vụ công và trong phân bổ ngân sách nhà nước. Về vấn đề này, Trưởng đại diện AAV Hoàng Phương Thảo cho rằng, Nhà nước cần huy động được người dân tham gia với vai trò bình đẳng hơn trong xây dựng quy hoạch, đóng góp chi phí, thực hiện và giám sát các dự án đầu tư công để nâng cao hiệu quả của các dịch vụ thiết yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển của chính họ.