Phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 24.10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết từ 1.1.2025 sẽ không còn bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã nữa mà sẽ theo cấp chuyên môn kỹ thuật. Theo đó, các bệnh viện có đủ kĩ thuật như thế nào thì sẽ làm những dịch vụ phù hợp với năng lực, kỹ thuật của bệnh viện đó. Đây cũng là cách tiếp cận theo hướng quốc tế, đã được Trung ương đưa vào Nghị Quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2017 và năm 2023 đã được thể chế hóa trong Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi).
Bên cạnh đó, đối với Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế lần này sẽ rà soát những vướng mắc, tồn tại trong các chính sách về bảo hiểm y tế với một mục tiêu cao nhất là làm thế nào để thuận tiện nhất cho người tham gia bảo hiểm y tế và tạo điều kiện tốt nhất cho công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân một cách đầy đủ và kịp thời.
Với quan điểm này, Bộ Y Tế đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, thảo luận với các địa phương, các cơ quan liên quan, các bệnh viện để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện bảo hiểm y tế. Với những nội dung đưa ra tại kỳ họp này, Bộ Y tế cho rằng nếu giải quyết được các vấn đề đã nêu và được Quốc hội thông qua thì sẽ phá bỏ được những khó khăn cơ bản trong quá trình người dân triển khai thực hiện bảo hiểm y tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để phát triển y tế cơ sở và y tế chuyên sâu cần đồng bộ nhiều giải pháp bên cạnh việc hỗ trợ người dân khám, chữa bệnh kịp thời, cần có chính sách để các bệnh viện tại địa phương đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh chứ không phải để người bệnh di chuyển đến các bệnh viện ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,..Hiện Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển hệ thống y tế cơ sở như đưa vaccine về các huyện khó khăn, hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa,.. và đã đạt được hiệu quả tích cực.
Bộ Trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân khám, chữa bệnh kịp thời cũng cần có sự đầu tư đúng mức cho hệ thống y tế cơ sở để các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân giúp người dân tiết kiệm thời gian di chuyển lên trung ương.
Về đảm bảo vốn đầu tư y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết không phải tất cả các gói thầu tham gia là có thể mua được ngay. Ví dụ như Bệnh viện đa khoa Đức Giang ở Hà Nội mua 95% khi các gói thầu mở ra nhưng còn 5% các loại thuốc không có trên thị trường, hoặc không bán. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đây là vấn đề liên quan đến thị trường. Trong trường hợp bất khả kháng không mua được thuốc cho người dân, Bộ Y tế cũng có đề xuất cơ chế để giải quyết vấn đề này.
Theo đó, ngoài tháo gỡ cơ chế về đấu thầu mua sắm thì tại Dự thảo Luật này đã đưa nội dung điều chuyển thuốc giữa các cơ sở y tế và thanh toán theo quỹ bảo hiểm y tế nhằm có ngay thuốc cho người dân, tránh trường hợp người dân phải tự đi ra ngoài mua thuốc. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đây là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết kịp thời tình trạng thiếu thuốc.
Liên quan đến vấn đề kiểm toán, có ý kiến là kiểm toán hàng năm hay 3 năm một lần, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết tại Luật Bảo hiểm xã hội vừa được Quốc hội thông qua, hàng năm sẽ kiểm toán Quỹ Bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Kiểm toán và hàng năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội việc sử dụng Quỹ bảo hiểm Y tế cũng như Quỹ bảo hiểm xã hội.