Đầu tư phát triển nhà ở xã hội: Bối cảnh mới, cơ hội mới
Tại Hội thảo "Đầu tư phát triển nhà ở xã hội: Bối cảnh mới, cơ hội mới" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức chiều 27.5, các chuyên gia cho rằng, các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội mới dừng lại ở mức “chương trình”, triển khai trong một khoảng thời gian nhất định, thiếu tính liên tục, thiếu bền vững.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Phạm Đức Sơn nhấn mạnh: phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo chỗ ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, đồng thời thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Theo Quyết định 388 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, đến nay, cả nước mới triển khai được 657 dự án, số căn hộ hoàn thành mới đạt 15,6% mục tiêu giai đoạn 2021–2025. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực này cũng đang giải ngân chậm.

Tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội đang xem xét ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Dự kiến Nghị quyết sẽ được thông qua theo thủ tục rút gọn với nhiều điểm mới: cắt giảm thủ tục hành chính, mở rộng đối tượng thụ hưởng, cho phép chủ đầu tư tự quyết giá bán và thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia.
Tổng Biên tập Phạm Đức Sơn kỳ vọng, Nghị quyết khi được thông qua sẽ tạo cú huých mạnh, giúp khai thông hàng loạt điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, từ đó đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi cho biết, phát triển nhà ở xã hội hiện vẫn gặp nhiều rào cản, từ việc một số địa phương chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch kinh tế - xã hội, đến việc thiếu cơ chế cụ thể để hỗ trợ nhà đầu tư.
Dù Luật Nhà ở 2023 đã quy định nhiều ưu đãi, nhưng lợi nhuận chỉ khoảng 10%, trong khi giá nguyên vật liệu và chi phí nhân công liên tục biến động, cộng thêm vướng mắc pháp lý khiến tiến độ dự án chậm, giảm sức hút với doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều địa phương vẫn chưa bố trí đủ ngân sách cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho dự án nhà ở xã hội. Hệ quả là thiếu quỹ đất sạch, tăng chi phí đầu vào và làm giảm khả năng tiếp cận nhà ở của người thu nhập thấp.
TS. Nguyễn Văn Khôi đề xuất, các địa phương cần xác định rõ nhu cầu nhà ở thực tế, lập kế hoạch phát triển nhà ở xã hội theo chỉ tiêu hàng năm và 5 năm. Đồng thời, cần quy hoạch quỹ đất, tạo mặt bằng sạch và xây dựng cơ chế ưu đãi đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Ông cũng nhấn mạnh vai trò của chính sách tín dụng ưu đãi: ngân hàng thương mại nên áp dụng lãi suất 3 - 4%/năm cho dự án nhà ở xã hội để bán và 2 - 3%/năm cho nhà ở cho thuê, với thời hạn vay lên đến 25 năm để giảm áp lực cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần mở rộng nguồn vốn từ các Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng Việt Nam cần thành lập một quỹ chuyên biệt cấp quốc gia để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội một cách bền vững và liên tục. “Hiện các chương trình hỗ trợ chỉ mang tính thời điểm, thiếu ổn định, thiếu cơ chế vận hành lâu dài”, ông Lực nhận định.
Ông đề xuất mô hình quỹ hoạt động theo nguyên tắc “có thu - có chi”, không vì lợi nhuận nhưng đảm bảo hoàn vốn, bù chi phí, tương tự mô hình của Hàn Quốc. Về cấu trúc nguồn vốn, TS. Lực kiến nghị: 30 - 35% từ ngân sách Nhà nước, 40% từ người dân và doanh nghiệp, 20% từ giá trị quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, phần còn lại đến từ các nguồn khác.