Đầu tư nguồn lực hoàn thiện hệ thống thiết chế nhà văn hóa

- Thứ Sáu, 14/01/2022, 14:44 - Chia sẻ
Báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sáng 14.1, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, thời gian qua, việc thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch đã được ngành triển khai thực hiện kịp thời; nhiều chương trình, đề án, kế hoạch được ban hành, góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu tại cuộc làm việc

Theo báo cáo, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh thắng, địa chất địa mạo trên địa bàn được quan tâm. Hoạt động thể dục thể thao phong trào được tổ chức thường xuyên. Thể thao thành tích cao đạt được nhiều huy chương trong các lần tham gia thi đấu giải trong nước và quốc tế. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được thực hiện sâu rộng, trở thành phong trào lớn trong toàn xã hội. Hoạt động du lịch có bước phát triển vượt bậc; công tác xúc tiến, quảng bá và các hoạt động kích cầu du lịch được thực hiện xuyên mang lại hiệu quả không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đã chủ động nghiên cứu những quy định của Trung ương, áp dụng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện các thành phần trong xã hội tham gia phát triển nền văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh.

Về cơ bản các hạ tầng văn hóa trên địa bàn tỉnh từng bước đáp ứng được các yêu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí của nhân dân. Cụ thể, cấp tỉnh có Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Nhà Văn hóa tỉnh, Nhà luyện tập Đoàn Nghệ thuật, Nhà tập luyện và Thi đấu TDTT, Sân Xi Măng (đến hết năm 2019, thiết chế cấp tỉnh còn có sân vận động C10). 11/11 huyện, thành phố có Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch, có trụ sở làm việc được xây dựng bảo đảm tổ chức các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị và kế hoạch của huyện, thành phố và của ngành giao hàng năm; 7 nhà luyện tập TDTT. 135/193 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, trong đó 47 nhà văn hóa đạt chuẩn bằng 35%; 23/177 xã có sân vận động. Cấp thôn, bản, tổ dân phố, toàn tỉnh 1.760/2071 thôn bản, tổ dân phố có nhà văn hóa kiêm hội trường chiếm 85%, trong đó số nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là 704 nhà.

Ngoài ra, toàn tỉnh có có 41 cơ sở vui chơi giải trí dành cho trẻ em, tập trung trên địa bàn các huyện; 19 sân quần vợt, 19 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo; 1.171 sân tập luyện thể dục thể thao, 30 bể bơi các loại.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang báo cáo với Đoàn giám sát

Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ rõ, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân. Hiện nay có 135/193 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, trong đó 47 nhà văn hóa đạt chuẩn bằng 35%; 23/177 xã có sân vận động.

Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối điểm đến du lịch chưa đảm bảo. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch còn thấp chưa bảo đảm với mục tiêu, định hướng phát triển nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Thu hút nguồn lực xã hội hóa vào lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch chưa nhiều; các dự án lớn đầu tư hạ tầng du lịch, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí phục vụ người dân và phát triển du lịch chưa nhiều.

Nguyên nhân, Hà Giang là tỉnh miền núi, địa bàn phân bố rộng, địa hình đồi núi phức tạp, giao thông đi lại và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thiếu quỹ đất đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch. Tỉnh chưa có nhiều chính sách đủ mạnh, hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Mặt bằng dân trí còn thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động xã hội hóa nguồn lực trong nhân dân rất khó...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang kiến nghị tỉnh có cơ chế để tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; tập trung đầu tư nguồn lực để hoàn thiện hệ thống thiết chế nhà văn hóa, trung tâm văn hóa từ tỉnh đến cơ sở…

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng ghi nhận, mặc dù là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã quan tâm tới lĩnh vực văn hóa - xã hội, thông qua nhiều nghị quyết, đề án, chỉ thị cụ thể. Trong đó gần đây nhất, năm 2021, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về bảo tồn và phát huy gá trị công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên đạ bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025… Chính điều này đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân…

Đánh giá cao quyết tâm của Hà Giang trong việc đầu tư một số công trình văn hóa quy mô lớn, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng đề nghị tỉnh cũng cần quan tâm xây dựng và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở, tránh lãng phí.

Nhật Linh