Đầu tư nguồn lực cho y tế cơ sở

Dương Cầm 31/03/2023 06:00

Tổ chức hệ thống y tế cơ sở chưa ổn định; chất lượng nguồn nhân lực còn yếu, số lượng còn thiếu; việc đào tạo, cập nhật thường xuyên về kiến thức, kỹ năng y khoa còn hạn chế, đã dẫn đến nhiều trạm y tế phải giải thể. Thực tế đó đòi hỏi phải đổi mới cơ chế tài chính, đầu tư nguồn lực nhiều hơn cho y tế cơ sở. Đó là khẳng định của các chuyên gia tại Hội thảo về định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới do Bộ Y tế vừa tổ chức. 

Không ngừng hoàn thiện và củng cố mạng lưới

PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, mạng lưới y tế cơ sở đã phủ rộng khắp toàn quốc, 100% xã phường/thị trấn có trạm y tế xã. Đáng lưu ý, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) tăng nhanh từ 16% (năm 2002) lên 92% (năm 2022). Giai đoạn 2018 - 2022, tổng số chi khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở chiếm khoảng 30% tổng chi khám, chữa bệnh BHYT. Số lượng nhân lực y tế tuyến cơ sở trên 187.000 người, chiếm 40% tổng số nhân lực y tế của cả nước, trong đó nhân lực tuyến huyện là 115.000 người (24,5%), tuyến xã là 72.000 người (15%). 

Theo thống kê của Bộ Y tế, giai đoạn 2008 - 2015, trái phiếu Chính phủ đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở là 19.220 tỷ đồng cho 598 bệnh viện/trung tâm y tế huyện, 114 phòng khám đa khoa khu vực. Giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách Trung ương tiếp tục hỗ trợ 240 tỷ đồng cho 24 bệnh viện huyện. Bộ Y tế cũng đã triển khai một số dự án ODA đầu tư cho y tế cơ sở với 460 trạm y tế xã và một số trung tâm y tế huyện. Nhiều trạm y tế xã được đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương và viện trợ.

"Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu của y tế cơ sở đạt 70/100 điểm, cao hơn mức trung bình Đông Nam Á (61 điểm), toàn cầu (67 điểm); Chất lượng dịch vụ từng bước được cải thiện. Theo báo cáo PAPI năm 2021 có 54,04% người trả lời hài lòng với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện" - PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng cho biết thêm. 

Mặc dù vậy, bình quân các trạm y tế xã chỉ thực hiện được 60 - 70% dịch vụ kỹ thuật, cung ứng khoảng 40% thuốc thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản, nên chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Ngoài ra, tổ chức hệ thống y tế cơ sở còn chưa ổn định, đã tạo ra biến động cả về tổ chức, nhân lực và khả năng cung ứng dịch vụ. Từ đó dẫn đến tình trạng một số địa phương đã giải thể trạm y tế phường, thị trấn. 

Thiếu nhân lực cho y tế cơ sở

Chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động, ông Đoàn Minh Cương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết, cơ sở vật chất y tế tại huyện Lâm Hà dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ. Thực tế, 10 năm qua, trung tâm chỉ tuyển được 3 bác sĩ đào tạo chính quy từ nơi khác về, chủ yếu hợp lý hóa theo gia đình. Số còn lại tăng thêm thay thế cho những bác sĩ nghỉ hưu đều là nguồn đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển và đào tạo từ y sĩ lên bác sĩ. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện còn gặp khó khăn về thực hiện danh mục kỹ thuật; một số chuyên khoa như răng hàm mặt, vật lý trị liệu… chưa có hoặc chưa được cấp chứng chỉ. 

Với trạm y tế xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh), nhiều năm qua, cũng chỉ có 7 cán bộ nhân viên y tế phụ trách. Những năm Covid-19 bùng phát, nhiệm vụ khám, chữa bệnh của trạm y tế xã bị giảm sút, nhưng nhân viên y tế lại làm việc với cường độ gấp đôi mới có thể đảm nhận khối lượng công việc khổng lồ từ y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là tiêm phòng Covid-19... Bác sĩ Nguyễn Thị Thắng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồn Đạc chia sẻ, ngày thường, tiền công trực đêm là 17.850 đồng/16 tiếng, còn cuối tuần là 35.000 đồng. Mức này thực sự chưa tương xứng với công sức bỏ ra trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Cũng chính vì thế, các trạm y tế đang đối diện với việc thiếu nhân lực y tế do không thu hút được các bác sĩ về vùng miền núi công tác. 

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm, hiện nay, trên thế giới trung bình có từ 3 - 10 bác sĩ/1 vạn dân, trong khi, tại TP. Hồ Chí Minh con số này chỉ đạt 0,25 bác sĩ đa khoa tại y tế tuyến cơ sở/1 vạn dân và đây là tỷ lệ rất thấp. Lâu nay, dù ngành y tế triển khai các hoạt động luân phiên nhân viên y tế nhưng vẫn không đủ để tiếp cận đến từng người dân, gia đình. TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung chưa có chính sách phân bổ bác sĩ đa khoa cho tuyến y tế cơ sở, chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút bác sĩ về công tác tại các trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường. Vì thế, hiện nay y tế tuyến cơ sở đang rất thiếu nhân lực. 

Tiếp tục hoàn thiện về mặt chính sách

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc trên, không ít ý kiến cho rằng, cần luật hóa việc phát triển y tế cơ sở. Ông Tăng Chí Thượng kiến nghị, có cơ chế bắt buộc các bác sĩ mới tốt nghiệp có thời gian thực hành nhất định tại y tế tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố sớm có kế hoạch xây dựng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, mỗi khu phố có 3 người, để giúp cho các trạm y tế hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cần tập trung ngân sách nhà nước, tăng tăng tỷ trọng chi của quỹ BHYT cho khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện và đặc biệt là trạm y tế xã, thông qua việc mở rộng danh mục thanh toán BHYT. Mặt khác, có cơ chế tài chính để chi trả cho các dịch vụ sàng lọc phát hiện bệnh sớm.

PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng cho biết, Bộ Y tế đang kiến nghị giải pháp là tăng cường cam kết chính trị và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động của y tế cơ sở. Đồng thời, chú trọng việc kết nối y tế cơ sở với các cơ sở y tế tuyến trên để tăng cường sự tương tác hiệu quả và hỗ trợ về chuyên môn giữa mạng lưới y tế cơ sở với các tuyến y tế khác trong hệ thống y tế, phát huy thế mạnh của y tế tư nhân trong cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, Ban Bí thư đã giao Ban cán sự đảng Bộ Y tế chủ trì chuẩn bị Đề án xây dựng "Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới". Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng đề cương, tổng hợp báo cáo, tiếp thu ý kiến của bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về y tế cơ sở, để hoàn thiện Đề án, trình Ban Bí thư trong tháng 5.2023. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đầu tư nguồn lực cho y tế cơ sở
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO