Đầu tư khoa học, công nghệ mở đường phát triển

- Thứ Tư, 27/10/2021, 06:10 - Chia sẻ
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu Quốc hội nhất trí với đề xuất trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì, thay vì thuộc Nhà nước như hiện nay. Theo đó sẽ thúc đẩy khai thác và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ, mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển.

Thúc đẩy khai thác kết quả nghiên cứu

Để trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước (sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước hoặc sử dụng một phần ngân sách nhà nước) một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì sẽ dẫn đến sửa đổi Điều 86, bổ sung các Điều 86a, 133a, 136a và khoản 6 Điều 139 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Đồng thời, cần phải sửa đổi quy định liên quan của Luật Khoa học và Công nghệ, cụ thể là sửa đổi, bổ sung Điều 41 để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Sở hữu trí tuệ về cơ chế giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì hoặc tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, cần sửa đổi Điều 36 Luật Chuyển giao công nghệ, Điều 105 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Dù thực hiện theo phương án được Chính phủ đề xuất sẽ cần sửa đổi một số luật liên quan, song ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) tán thành với phương án này, và cho rằng, ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học, công nghệ góp phần quan trọng thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển, không cần sở hữu kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ. Nhà nước không nhất thiết sở hữu công nghiệp là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ sử dụng kinh phí là ngân sách Nhà nước một phần hay đầu tư toàn bộ. Một lý do khác được đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang nêu ra là vì đơn vị chủ trì sẽ am hiểu nhất đặc điểm của công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, nhờ đó việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu thuận lợi hơn. Hơn nữa, quy định theo hướng này cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực hợp tác với đơn vị chủ trì nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Đây không chỉ là một cơ hội giả định với chúng ta, vì theo ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh), trao quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí và kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì là xu hướng chung của hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới. Bài học kinh nghiệm được ĐBQH đưa ra trong thảo luận về dự án Luật này đã được thấy rõ trong thực tế của Hoa Kỳ, và được nêu cụ thể tại Tờ trình dự án Luật của Chính phủ.

Theo đó, sau thời gian dài thực hiện quy định giữ quyền đăng ký, quyền sở hữu sáng chế trong tay Nhà nước nhưng không thương mại hóa được nhưng việc ban hành Luật Bayh-Dole vào năm 1980 với quy định trao cho các tổ chức nghiên cứu công lập được quyền sử dụng sáng chế hình thành từ ngân sách nhà nước, đã giúp Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia đi đầu trong việc “chuyển dịch” quyền sở hữu này và đã đạt được thành công đáng kể trong hoạt động thương mại hóa sáng chế được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư. Sau khi Hoa Kỳ đạt được thành công đáng kể trong hoạt động thương mại hóa sáng chế được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư với việc ban hành Luật Bayh-Dole, nhiều quốc gia khác đã xây dựng, ban hành quy định tương tự.

Phân chia lợi ích như thế nào?

Bên cạnh phạm vi các hoạt động được chuyển giao đăng ký sở hữu trí tuệ sang đơn vị chủ trì công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước như dự thảo Luật quy định, nhiều đại biểu kiến nghị, nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, một số đối tượng quyền tác giả và quyền liên quan. Thậm chí, như nhận định của ĐBQH Dương Tuấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu), phải trao nhiều sự tự chủ hơn cho tổ chức chủ trì để họ có động lực khai thác, phát triển, bán hay sử dụng các kết quả nghiên cứu.

Lý giải cho đề nghị này, đại biểu Dương Tuấn Quân chỉ rõ, quy định hiện hành chưa thúc đẩy tổ chức chủ trì khai thác, phát huy hiệu quả giá trị đầu tư của Nhà nước, quyền đăng ký sở hữu trí tuệ, hạn chế quy định giao quyền còn bất cập, gây cản trở tổ chức chủ trì trong việc thương mại hóa, chuyển giao công nghệ. Doanh nghiệp nhận thấy được giá trị của các nhiệm vụ khoa công nghệ để tham gia đầu tư, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm thương mại hóa, nhưng chờ đợi việc đăng ký sở hữu trí tuệ quá lâu, do thủ tục giao quyền rườm rà dẫn đến có những tiềm năng không thể khai thác được, trong khi mối quan hệ ba bên giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì, doanh nghiệp còn lỏng lẻo.

Chỉ ra hệ quả của cơ chế hiện hành, đại biểu Dương Tuấn Quân nhấn mạnh, số lượng nhiệm vụ khoa học, công nghệ có kết quả có thể đăng ký sở hữu trí tuệ vì thế đã ít, số lượng kết quả, nhiệm vụ khoa học, công nghệ đăng ký sở hữu trí tuệ có thể thương mại hóa thành công thật sự còn ít hơn, hoạt động chuyển giao công nghệ, hoạt động thương mại hóa hạn chế. Trong trường hợp này, theo đại biểu Quốc hội, Nhà nước càng mất đi các lợi ích giá trị kinh tế.

Tuy nhiên, để phương án này bảo đảm tính khả thi, các ĐBQH yêu cầu, cần rà soát, chỉnh sửa theo hướng khắc phục sự không thống nhất giữa quy định này với quy định của pháp luật hiện hành, phân chia rõ cơ chế lợi ích cho Nhà nước và đơn vị chủ trì, để có sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và chủ thể nghiên cứu. Thậm chí, “phòng ngừa ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học, công nghệ mà lợi ích lại thuộc về riêng tư là không hợp lý, không đúng với Luật Ngân sách Nhà nước” là một rủi ro được ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh.

Một lưu ý khác được ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đưa ra là cần nghiên cứu, bổ sung thêm trường hợp Nhà nước được thu hồi giao quyền sử dụng cho tổ chức khác, trong trường hợp tổ chức được giao ban đầu được cho là không có khả năng thực hiện thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí vào điểm a khoản 3 Điều 133a, bổ sung cho khoản 63 Điều 1 của dự án Luật Sở hữu trí tuệ. Nội dung này được bổ sung sẽ giúp vừa phù hợp với điểm b khoản 1 Điều 133a, vừa góp phần tăng trách nhiệm của tổ chức được giao ban đầu. Ngoài ra, đại biểu Lưu Bá Mạc nhấn mạnh “nếu tổ chức được giao ban đầu không có khả năng tiếp tục thì Nhà nước sẽ thu hồi và giao quyền này cho tổ chức khác có năng lực hơn, từ đó giảm thiểu sự lãng phí và tăng tính hiệu quả của ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học, công nghệ”.

Hầu hết ĐBQH ủng hộ phương án được Chính phủ đề xuất, cho phép trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước hoặc sử dụng một phần ngân sách nhà nước) một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì. Tất nhiên, để bảo đảm tính khả thi cho chính sách này, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phải làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả, để bảo đảm sự cân bằng lợi ích giữa ba chủ thể, góp phần thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng; quy định về thu hồi giao quyền sử dụng cho tổ chức khác; mở rộng đối tượng thực hiện… Những lý lẽ được Cơ quan chủ trì thẩm tra và các ĐBQH đưa ra rất thuyết phục và hợp lý, nên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cũng cam kết sẽ tiếp thu, bổ sung vào dự thảo Luật.

Thanh Hải