Chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra mạnh mẽ, thì việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nhận định về tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra rất nhanh chóng, nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao và trình độ phát triển khoa học, công nghệ sẽ quyết định vị thế, sức mạnh, năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Chất lượng đào tạo đại học và sau đại học đóng vai trò quyết định tới chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; là chìa khóa để thúc đẩy tăng năng suất lao động, duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Thực tế cho thấy, thời gian qua mặc dù đã được quan tâm nhưng chất lượng nhân lực của chúng ta vẫn còn hạn chế, đặc biệt là thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn và các ngành phục vụ kinh tế số. Cơ cấu các ngành đào tạo hiện nay cũng chưa bám sát nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới. Chất lượng đầu ra và yêu cầu thực tế của thị trường lao động vẫn là một khoảng cách khá lớn. Việc thiếu lao động chất lượng cao phần nào tác động đến tốc độ tăng năng suất lao động. Chất lượng nguồn nhân lực chưa bảo đảm, đặc biệt là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao là một trong những lý do dẫn đến 3 năm liên tiếp tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của chúng ta không về đích như mục tiêu đề ra.
Cũng bởi tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực mà tỷ lệ lao động qua đào tạo đã trở thành một trong những chỉ tiêu chủ yếu được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Nếu như trong năm 2023, Quốc hội đặt ra chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%, thì năm 2024, Quốc hội đã nâng tỷ lệ này lên với tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%. Chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra năm sau cao hơn năm trước xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, phát triển kinh tế - xã hội, cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.
Để thực hiện được yêu cầu này, Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ nhiệm vụ đối với Chính phủ và các cơ quan liên quan, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện các giải pháp đột phá phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp; tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên bố trí nguồn lực cho đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với những ngành, lĩnh vực mới nổi...
Việc nhấn mạnh về chất lượng đào tạo cũng như lượng hóa một cách cụ thể số lượng cần tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho thấy Quốc hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ đã được Quốc hội đặt ra. Theo đó, cần có sự đổi mới trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia, đổi mới phương pháp đào tạo gắn liền với nhu cầu xã hội. Đặc biệt, tập trung nguồn lực để đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng “đầu ra” cho các ngành công nghệ cao, qua đó góp phần phát triển kinh tế theo hướng bền vững.