Đầu tư công - tư chỉ phù hợp với một số lĩnh vực

Vũ Linh 21/09/2013 08:46

Đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư (PPP) là mô hình dài hạn, do vậy nó phù hợp nhất với lĩnh vực cơ sở hạ tầng, môi trường và một số lĩnh vực có sự ổn định lâu dài.

Ngày 19.9, Bộ Giao thông - Vận tải đã tiến hành hội nghị tiền sơ tuyển để chọn nhà đầu tư thứ 2 của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Đây là dự án cao tốc đầu tiên được đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư (PPP). Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông hy vọng, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ đưa ra một mô hình mẫu cho việc phát triển cơ chế PPP tại Việt Nam, là tiền đề cho các dự án PPP về cơ sở hạ tầng giao thông trong tương lai.

Trong số hơn 20 dự án hạ tầng và dịch vụ công được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP mà các địa phương và các bộ, ngành trình Chính phủ thì chỉ có vài dự án có tính khả thi, phần còn lại tính khả thi không cao. Duy nhất dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có tiến độ triển khai tích cực hơn cả. Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư thuộc Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn  cho biết, dự kiến đến cuối 2013 sẽ chốt được danh sách các nhà đầu tư tham gia. Công tác đấu thầu sẽ được tiến hành vào đầu năm 2014. Tất cả công đoạn tuyển chọn đều nghiêm ngặt, đấu thầu cạnh tranh minh bạch.

Các dự án PPP giậm chân tại chỗ là vì hình thức đầu tư PPP còn quá nhiều trở ngại. Trong đó, các thủ tục đấu thầu vô cùng phức tạp và mất rất nhiều thời gian. Một vấn đề khác được nhà đầu tư ví như ác mộng mỗi khi thực hiện dự án là giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, những rủi ro khác như môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, khuôn khổ pháp lý bất cập, những bất định về chính sách luôn xảy ra trong quá trình thực hiện… Tiềm năng PPP ở Việt Nam là rất lớn nhưng chỉ với Quyết định 71 thì chưa đủ hành lang pháp lý đảm bảo cho nhà đầu tư nên họ vẫn chọn hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) cho chắc chắn. Bởi vì BOT có hành lang pháp lý đầy đủ hơn bằng nghị định đầu tư có hướng dẫn cụ thể, trong khi PPP thì thủ tục phải qua nhiều khâu, khi đầu tư dự án phải trình và xin quyết định của Thủ tướng.

Ông Morifusa Ueda, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng của Nhật Bản, than phiền 2 năm trước các doanh nghiệp Nhật đã tìm hiểu hình thức đầu tư PPP tại Việt Nam, tuy nhiên cứ nửa năm lại có sự thay đổi khiến các doanh nghiệp Nhật rất lúng túng. Ông Ueda cũng nói thêm rằng, kể từ khi Việt Nam đưa ra hình thức đầu tư PPP, đã 5 lần các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia góp ý với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song đến nay hình thức đầu tư này cũng chưa có nhiều thay đổi.

Đầu tháng này, một hội thảo về hợp tác công - tư đã kéo dài tới 2 ngày tại TP Hồ Chí Minh. Giám đốc phụ trách hợp tác công - tư, Bộ Ngân khố Vương quốc Anh Claire Phillips chia sẻ, hiện nay môi trường và giao thông vận tải là 2 lĩnh vực lớn nhất áp dụng hình thức đầu tư PPP ở Anh, bởi đây là 2 lĩnh vực được xem là có khả năng hoàn vốn hấp dẫn đối với nhà đầu tư tư nhân. “Có lĩnh vực khi áp dụng có thể nói là thảm họa”, bà Claire Phillips nói. Đơn cử như lĩnh vực công nghệ thông tin, ở lĩnh vực này công nghệ biến động rất nhanh theo từng năm dẫn đến phải chỉnh sửa hợp đồng nhiều lần nên không có được sự đồng thuận giữa khu vực công và tư. Trong khi đầu tư theo PPP là mô hình dài hạn, do vậy nó phù hợp nhất với lĩnh vực cơ sở hạ tầng, môi trường và một số lĩnh vực có sự ổn định lâu dài. Bà cũng cho biết, hiện nay trên website của nhiều sở, ngành của Việt Nam, có nhiều dự án lớn được mời gọi đầu tư theo hình thức PPP, mặc dù chưa làm gì nhưng quảng cáo thông tin rầm rộ, trong khi dự án chưa đạt được sự đồng thuận giữa các bên liên quan, dẫn đến sự trì trệ.

Các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư công cho rằng để hình thức PPP có hiệu quả, cần làm dần từng bước và nên chọn những dự án nhỏ làm trước rồi từ đó xây dựng một khung pháp lý chung cho các dự án. Ở Anh họ áp dụng đầu tư PPP từ năm 1987, đến năm 1990 họ mới có 2 dự án tiếp theo. Họ cũng làm từ từ chứ không làm ồ ạt theo phong trào. Từ kinh nghiệm này, bà Claire Phillips cho rằng, Việt Nam nên chọn những dự án nhỏ và đơn giản để thực hiện thí điểm trước nhằm tạo được khung pháp lý đầu tiên, chứ không nên chọn các dự án lớn. Khi làm thành công ở dự án nhỏ sẽ tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư thì việc thực hiện ở các dự án lớn sẽ dễ dàng hơn.

Mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo về đầu tư theo hình thức PPP đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đôn đốc các bộ liên quan kiện toàn Tổ chuyên trách về PPP; tổng hợp danh mục dự án đầu tư PPP, trình Trưởng Ban chỉ đạo phê duyệt; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn, vốn ngân sách trung ương làm vốn đối ứng cho dự án PPP (khoảng 20.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2014 - 2015). Các bộ, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý trong thời gian qua, từ Trung ương đến địa phương; từ đó đánh giá hiện trạng cơ cấu vốn công tư trong ngành, xác định rõ lĩnh vực tiềm năng và kế hoạch tái cơ cấu vốn đầu tư, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2013.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đầu tư công - tư chỉ phù hợp với một số lĩnh vực
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO