Văn hóa

Đầu tư công - quản trị tư: Gỡ nút thắt cho thiết chế công cộng Bài cuối: Không thể “bật đèn xanh” mà không kẻ đường

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn 28/05/2025 06:36

Luật Thủ đô (sửa đổi) và Nghị quyết 98/2023/QH15 đã mở đường cho hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa; nhưng bước tiến đó sẽ trở nên dè dặt, thậm chí giậm chân tại chỗ nếu như chúng ta không nhanh chóng hướng dẫn và thể chế hóa cụ thể mô hình đầu tư công - quản trị tư.

Trao quyền đúng cách

Nhiều quốc gia đã đi một bước dài trong việc “cởi trói” cho các thiết chế công cộng bằng mô hình đầu tư công - quản trị tư. Từ sân vận động, công viên, nhà hát, bảo tàng cho đến thư viện công, các chính phủ hiện đại đã dần chuyển sang tư duy “Nhà nước là người kiến tạo, khu vực tư là người vận hành”. Đây là một cách phân công linh hoạt, thực dụng, nhưng vẫn bảo đảm tính công.

Tại Vương quốc Anh, từ những năm 1990, chính phủ nước này đã triển khai chương trình Private Finance Initiative (PFI), cho phép khu vực tư nhân thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo trì các công trình công cộng như bệnh viện, trường học, thư viện, cơ sở văn hóa. Sau nhiều năm triển khai, mô hình PFI đã bộc lộ một số hạn chế như chi phí cao và thiếu minh bạch, nhưng chính phủ Anh không từ bỏ mà điều chỉnh thành mô hình PF2, với nguyên tắc cốt lõi: chia sẻ rủi ro công - tư rõ ràng hơn, tăng cường kiểm soát của Nhà nước, và nhất là đặt hiệu quả phục vụ cộng đồng lên hàng đầu.

Australia có Bộ Hướng dẫn quốc gia về PPP (National PPP Guidelines), trong đó quy định rất rõ: mọi dự án hợp tác công - tư đều phải trải qua bước đánh giá “giá trị đồng tiền” (value for money), tức là phải chứng minh rằng để khu vực tư quản lý sẽ hiệu quả hơn Nhà nước. Nhờ đó, nhiều công viên, thư viện, trung tâm văn hóa được giao cho tư nhân vận hành theo các hợp đồng có thời hạn, kèm các chỉ số đánh giá hiệu suất và chế tài minh bạch. Nhà nước giữ vai trò giám sát độc lập, bảo vệ mục tiêu công, trong khi khu vực tư có động lực đổi mới sáng tạo và cải tiến chất lượng dịch vụ.

esplanade-concert-hall.jpg
Trên thế giới, nhiều thiết chế công cộng như thư viện quốc gia, trung tâm nghệ thuật được giao cho tư nhân vận hành theo các hợp đồng có thời hạn, kèm các chỉ số đánh giá hiệu suất và chế tài minh bạch (trong ảnh: Trung tâm nghệ thuật Esplanade, Singapore). Ảnh: www.sso.org.sg

Ở Hàn Quốc, cơ chế hợp tác công - tư được tổ chức bài bản nhờ hệ thống PIMAC - Trung tâm Quản lý đầu tư công thuộc Bộ Tài chính. Tất cả dự án đầu tư công đều được PIMAC thẩm định, đánh giá hiệu quả và xác định khả năng hợp tác với tư nhân. Nhờ đó, từ sân vận động, nhà thi đấu đến thư viện cộng đồng, các dự án đều được lựa chọn mô hình triển khai phù hợp: nếu Nhà nước yếu kém trong vận hành, sẽ chuyển cho tư nhân có năng lực quản trị thông qua quy trình lựa chọn minh bạch và khung pháp lý chặt chẽ.

Một ví dụ nổi bật khác là Singapore, nơi rất nhiều thiết chế công cộng như thư viện quốc gia, trung tâm nghệ thuật Esplanade hay các khu công viên lớn… đều được giao cho tư nhân vận hành trên cơ sở “khế ước hiệu suất”. Các hợp đồng này là một thỏa thuận về trách nhiệm, chỉ tiêu phục vụ, mức độ hài lòng của công chúng, và các chuẩn mực công khai, minh bạch. Nếu tư nhân không đạt chỉ tiêu, hợp đồng sẽ bị chấm dứt. Nhà nước giữ quyền sở hữu công trình, nhưng người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ hiệu quả quản trị tư.

Điểm chung giữa các quốc gia nói trên là họ đã vượt qua rào cản tâm lý và thể chế về “quyền vận hành” tài sản công. Họ chấp nhận rằng, không phải cứ Nhà nước trực tiếp quản lý thì mới bảo đảm lợi ích công. Quan trọng hơn, họ thiết lập được khung pháp lý đủ mạnh để kiểm soát tư nhân, buộc khu vực tư hoạt động trong khuôn khổ minh bạch, phục vụ mục tiêu xã hội, chứ không thuần túy lợi nhuận.

Bài học từ thế giới đã rất rõ ràng: khi khu vực tư được “trao quyền đúng cách”, tức là trong khuôn khổ pháp luật, có giám sát hiệu quả, thì không chỉ tài sản công được bảo vệ, mà giá trị công còn được nhân lên.

Sớm thể chế hóa

Mô hình đầu tư công - quản trị tư là một dạng đặc thù của PPP, nhưng không nên và không thể gán ghép máy móc theo những thiết kế dành cho các dự án hạ tầng có dòng tiền lớn. Đây là những mô hình có tính xã hội sâu sắc, nơi giá trị công và lợi ích cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, Việt Nam cần sớm có một hành lang pháp lý riêng cho mô hình này, nơi Nhà nước đầu tư, tư nhân vận hành, cộng đồng giám sát và pháp luật giữ vai trò trọng tài công bằng.

Bởi không ai dám bước đi trên một cây cầu đang xây dang dở. Không địa phương nào, không bộ, ngành nào dám trao quyền vận hành sân vận động, bảo tàng, thư viện cho khu vực tư nhân nếu như không có những quy định rõ ràng: ai chịu trách nhiệm, chia sẻ rủi ro ra sao, bảo đảm lợi ích công bằng cách nào. Trong thực tế, nhiều lãnh đạo đơn vị quản lý công lập muốn thay đổi nhưng vẫn ngần ngại, vì sợ rủi ro pháp lý, vì thiếu công cụ pháp luật để bảo vệ mình.

Chúng ta cần những hợp đồng mẫu cụ thể, trong đó thời hạn, nghĩa vụ, quyền lợi, cơ chế thanh toán, điều kiện chấm dứt đều rõ ràng. Chúng ta cần những bộ chỉ số đánh giá hiệu suất cho từng thiết chế: công viên phải xanh, thư viện phải sáng, bảo tàng phải sống động. Và hơn hết, chúng ta cần cơ chế giám sát độc lập, đa tầng, không chỉ là vai trò của Nhà nước mà còn của báo chí, người dân, tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp.

Tại sao không bắt đầu từ chính Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, những nơi đã được Quốc hội “trao quyền”? Hãy thí điểm những mô hình quản trị tư cho công viên, thư viện, trung tâm văn hóa. Từ thực tiễn đó, chúng ta sẽ học được cách điều chỉnh pháp luật bám sát đời sống.

Khi Nhà nước đã đi trước bằng những chủ trương đúng đắn, như Luật Thủ đô (sửa đổi) và Nghị quyết 98, thì phần còn lại không thể chỉ là chờ đợi. Trong một mô hình đầu tư công - quản trị tư lành mạnh, nhân dân không chỉ là người thụ hưởng mà còn là người đồng hành, là tiếng nói giám sát, là nguồn cảm hứng cho sự vận hành có trách nhiệm.

Có thể chúng ta chưa có sẵn tất cả. Nhưng nếu bắt đầu từ niềm tin rằng thiết chế công là tài sản tinh thần của quốc gia, và nếu bắt đầu bằng những bước đi nhỏ, một mô hình thí điểm, một hợp đồng minh bạch, một cơ chế phản hồi hiệu quả, thì từng thiết chế sẽ không còn lặng im. Chúng sẽ trở lại đúng vai trò vốn có: là những không gian sống, không gian sáng, không gian văn hóa của cộng đồng, được vận hành bởi những người biết trân trọng giá trị công, và được bảo vệ bởi một Nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Và mỗi thiết chế công được khơi dậy đúng cách là thêm một mạch nguồn văn hóa, là thêm chất keo bền chặt cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đầu tư công - quản trị tư: Gỡ nút thắt cho thiết chế công cộng Bài cuối: Không thể “bật đèn xanh” mà không kẻ đường
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO