Đầu tư công - quản trị tư: Gỡ nút thắt cho thiết chế công cộngBài 1: Thiếu khuôn khổ pháp lý cho phương thức quản trị mới
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, đòi hỏi đầu tư xã hội ngày càng cao, hợp tác công - tư (PPP) trở thành một hướng đi tất yếu. Nhưng để PPP thực sự phát huy hiệu quả, cần một hệ thống pháp lý đồng bộ, minh bạch, và có khả năng hấp dẫn khu vực tư nhân, đồng thời vẫn bảo đảm vai trò điều tiết, giám sát của Nhà nước.
Từ câu chuyện của sân vận động Mỹ Đình
Ngày 3/4/2025, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 2790/VPCP-KGVX, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về phương án khai thác hiệu quả Sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng sân vận động này sao cho hiệu quả, tránh lãng phí, xuống cấp; báo cáo trước ngày 15/4/2025.
Chỉ đạo trên không chỉ là hành động kịp thời nhằm “giải cứu” một công trình trọng điểm quốc gia, nơi từng được coi là biểu tượng của thể thao Việt Nam trong thời kỳ hiện đại hóa, mà còn phản ánh một vấn đề lớn hơn: nhiều thiết chế công cộng dù được đầu tư lớn nhưng lại đang vận hành kém hiệu quả, thiếu sức sống, thậm chí trở thành gánh nặng ngân sách.

Sân vận động Mỹ Đình, khánh thành năm 2003 với sức chứa 40.000 khán giả, là nơi tổ chức nhiều kỳ đại hội thể thao khu vực, các trận đấu quốc tế và sự kiện văn hóa - nghệ thuật tầm cỡ. Nhưng chỉ sau hai thập kỷ, sân Mỹ Đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, từ mặt cỏ thi đấu đến hệ thống kỹ thuật, khán đài và tiện ích phụ trợ, cho thấy những giới hạn của cách tiếp cận quản lý công truyền thống khi thiếu cơ chế khai thác linh hoạt và chuyên nghiệp.
Không chỉ sân Mỹ Đình, nhiều thiết chế công khác như công viên, bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa cũng đang rơi vào tình trạng tương tự: ít người sử dụng, không tạo được nguồn thu bền vững, không đủ nguồn lực bảo trì, đổi mới.
Từ câu chuyện của sân Mỹ Đình, đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc về việc hoàn thiện pháp luật về hợp tác công - tư, với mục tiêu không chỉ “giải cứu” những tài sản công đang bị lãng phí, mà còn thiết lập một mô hình quản trị hiện đại, hiệu quả và bền vững cho các thiết chế công cộng ở Việt Nam.
Thiếu “bản vẽ thi công”
Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) vào đầu năm 2024, trước đó là Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là bước tiến quan trọng mở rộng không gian pháp lý cho hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Lần đầu tiên, việc thực hiện các dự án văn hóa theo phương thức PPP được luật hóa rõ ràng trong khung thể chế của hai đô thị lớn. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự thay đổi trong tư duy lập pháp khi không chỉ coi PPP là công cụ cho hạ tầng kỹ thuật mà còn là phương thức quản trị mới cho lĩnh vực văn hóa.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, dù chủ trương đã có, nhưng mô hình cụ thể, đặc biệt là mô hình đầu tư công - quản trị tư, vẫn thiếu cơ sở pháp lý để vận hành. Việc chuyển giao quyền quản trị, khai thác một thiết chế công cộng cho đối tác tư nhân có năng lực đang vấp phải nhiều câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng: Làm sao để xác định ranh giới giữa sở hữu công và quyền vận hành tư? Ai chịu trách nhiệm nếu đối tác tư nhân quản lý không hiệu quả hoặc làm sai lệch mục tiêu phục vụ cộng đồng? Cơ chế kiểm soát, giám sát ra sao khi tài sản vẫn thuộc về Nhà nước nhưng hoạt động thường xuyên lại do khu vực tư điều hành?
Trong khi đó, Luật PPP năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành thiên về các lĩnh vực có dòng tiền lớn như giao thông, năng lượng, môi trường…, thiếu những quy định mang tính đặc thù cho lĩnh vực văn hóa - thể thao - xã hội. Chính vì vậy, dù Luật Thủ đô và Nghị quyết 98 đã mở ra khung chính sách cho PPP trong lĩnh vực văn hóa, nhưng trên thực tế, nhiều địa phương và bộ, ngành vẫn chưa dám triển khai các mô hình quản trị tư cho thiết chế công, do thiếu “bản vẽ thi công” cho việc tổ chức thực hiện.
Thực trạng này thể hiện rõ trong các thiết chế cụ thể như sân vận động Mỹ Đình, các công viên, bảo tàng, thư viện, nơi tài sản có giá trị lớn nhưng hiệu quả khai thác còn hạn chế. Phần lớn các thiết chế này vẫn được quản lý theo mô hình công lập truyền thống, với ngân sách nhà nước bao cấp một phần, còn lại tự xoay xở. Nhưng trong bối cảnh nguồn lực ngày càng eo hẹp, áp lực đổi mới ngày càng cao, mô hình này bộc lộ rõ sự lạc hậu và thiếu sức sống.
Việt Nam đang thiếu một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, nhất quán và minh bạch cho mô hình đầu tư công - quản trị tư, một dạng thức đặc biệt của PPP, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đầu tư, còn khu vực tư nhân đảm nhận vai trò quản trị, vận hành, khai thác tài sản công trên cơ sở hợp đồng có thời hạn, có tiêu chí hiệu suất, và có cơ chế giám sát, phản biện rõ ràng từ phía Nhà nước và cộng đồng.
Nếu không khẩn trương xây dựng những hướng dẫn pháp lý cụ thể, mô hình này sẽ mãi chỉ dừng ở chủ trương trên giấy, trong khi hàng loạt thiết chế công cộng tiếp tục rơi vào cảnh “đầu tư lớn, sử dụng thấp, vận hành thì trì trệ, mà đổi mới thì không dám”.