Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội:

Đầu tư cho y tế dự phòng rất chuẩn xác, cấp bách

- Thứ Sáu, 14/01/2022, 06:47 - Chia sẻ
“Quốc hội quyết nghị dành một phần trong gói 14.000 tỷ đồng của chính sách đầu tư phát triển y tế để xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng là rất chuẩn xác và cấp bách. Bởi các nghiên cứu đã chỉ ra, bỏ một đồng cho y tế dự phòng có thể thu hiệu quả lên tới 10 đồng. Muốn đầu tư hiệu quả, phải dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn”. PGS.TS TRẦN ĐẮC PHU, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ.

Nhiều địa phương không quan tâm tới y tế dự phòng

- Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Nghị quyết) vừa được Quốc hội thông qua chỉ rõ, trong số 14.000 tỷ đồng cho y tế sẽ dành để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Quan điểm của ông thế nào?

- Trước hết, phải nhấn mạnh rằng, đầu tư cho y tế dự phòng đóng vai trò rất quan trọng để chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, bởi nhiệm vụ không chỉ phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm mà còn phòng chống các yếu tố nguy cơ, các bệnh không rõ nguyên nhân… Các nghiên cứu đã chỉ ra, bỏ ra 1 đồng cho y tế dự phòng sẽ thu về hiệu quả tới 2 - 3 đồng, thậm chí lên tới 5 - 10 đồng. Việc đầu tư cho y tế dự phòng đòi hỏi cần có thời gian, không phải một sớm một chiều.

Thời gian qua, do cả yếu tố khách quan và chủ quan, đầu tư cho y tế dự phòng chưa đúng mức, đặc biệt với cấp huyện, cấp xã. Nhiều địa phương hầu như không quan tâm đầu tư khiến y tế dự phòng gần như bị “bỏ quên”. Minh chứng điển hình là mặc dù Nghị quyết số 18/2008/QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân (Nghị quyết số 18) có yêu cầu phải dành 30% chi ngân sách cho y tế dự phòng nhưng nhiều địa phương không thực hiện.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 càng bộc lộ rõ những khó khăn, hạn chế của y tế dự phòng, khi cấp xã chỉ có 5 - 6 người nhưng phải làm từ xét nghiệm, giám sát, điều tra dịch tễ, tuyên truyền dịch bệnh, lấy mẫu, tiêm chủng… nên không đáp ứng được. Về trang thiết bị phòng chống dịch cũng không đủ, phải đi mua gấp dẫn đến có nơi đầu tư không đúng hoặc kém hiệu quả.

Từ thực tế trên, việc Quốc hội quan tâm đầu tư cho y tế dự phòng là rất chính xác và cấp thiết. Bởi lẽ, ngoài dịch Covid-19, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề hậu Covid-19 như bệnh không lây nhiễm, hậu quả của Covid để lại, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh mới, nhất là khi quốc tế giao lưu đi lại nhiều, biến chủng virus ngày càng tăng. Nếu không quan tâm tới y tế dự phòng thì không chỉ thiệt hại về sức khỏe nhân dân mà còn thiệt hại cho cả nền kinh tế.

Không phải việc riêng của Bộ Y tế

- Có thể thấy chính sách đầu tư cho y tế dự phòng đã có nhưng vẫn kém hiệu quả. Vậy tới đây, việc triển khai Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần lưu ý gì, thưa ông?

-  Việc đầu tư cơ sở vật chất cho y tế dự phòng phải bao gồm từ tuyến Trung ương đến tuyến huyện, xã. Phải đầu tư cơ sở vật chất bài bản, đặc biệt là các phòng thí nghiệm; trang thiết bị và nhân lực. Muốn đào tạo, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng phải quan tâm cả với những cơ sở đào tạo.

Rút kinh nghiệm từ triển khai Nghị quyết số 18, khi đầu tư cho y tế dự phòng phải có cơ chế cho hoạt động, cơ chế cho kinh phí. Nếu không có cơ chế này, nhất là cơ chế cho chi thì hoàn toàn không khả thi. Trước khi quyết định đầu tư, cần có khảo sát, đánh giá cụ thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực, tức phải có cơ sở khoa học và thực tiễn. Điều này cần sự vào cuộc của các bộ ngành, không phải chỉ riêng Bộ Y tế.

­- Như ông chỉ ra, đầu tư cho y tế dự phòng cần thời gian, nhưng gói hỗ trợ lần này chỉ áp dụng trong 2 năm 2022 và 2023?

- Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá, các bộ ngành sẽ xác định được nhiệm vụ cụ thể trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để bố trí nguồn lực thực hiện. Trước mắt, cần quan tâm vấn đề cấp bách là công tác phòng, chống dịch Covid-19.

- ­Nhân lực của y tế dự phòng vẫn còn hạn chế. Vậy cách nào để khắc phục, thưa ông?

- Có một thực tế đáng buồn thời gian qua là nhiều cán bộ dự phòng đã xin nghỉ hoặc muốn nghỉ, vì cơ chế đãi ngộ đối với họ còn quá thấp. So với cán bộ y tế ở các lĩnh vực khác có thể mở phòng khám riêng, làm thêm tăng thu nhập thì cán bộ y tế dự phòng hầu như chỉ sống bằng đồng lương. Do đó, cần đặc biệt quan tâm tới cải thiện đời sống, hỗ trợ nâng cao thu nhập cho đội ngũ này để họ yên tâm công tác.

- Xin cảm ơn ông!

GS.TSKH PHẠM MẠNH HÙNG, Nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam:

Nên giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm

Việc dành 14.000 tỷ đồng cho y tế dự phòng thể hiện sự quan tâm rất lớn của Quốc hội, nhất là đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tuy nhiên, thời gian qua, đã có nhiều sai phạm trong ngành y tế liên quan tới cơ chế tài chính, nhiều cán bộ lãnh đạo bị xử lý hình sự. Do vậy, để triển khai gói hỗ trợ lần này, tôi cho rằng, nên giao Bộ Tài chính chủ trì, chịu trách nhiệm trong việc đầu tư, thay vì giao toàn bộ cho Bộ Y tế quyết định.

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La LÊ THỊ HOÀI MINH:

Mong được hỗ trợ đào tạo

Suốt gần hai năm chống dịch Covid-19, thứ 7 tuần trước chúng tôi mới nhận 100 bộ quần áo bảo hộ lần đầu tiên. Những ngày qua, toàn bộ 6 cán bộ, nhân viên của Trạm Y tế xã cùng 15 cán bộ y tế bản, công an viên của xã đã cùng phối hợp để tiêm vaccine cho người dân, có ngày cao điểm tiêm tới 900 người nhưng chúng tôi cũng chưa nhận được bất cứ khoản hỗ trợ nào.

Do đó, khi biết tin Quốc hội thông qua Nghị quyết, trong đó bố trí tối đa 14.000 tỷ đồng cho y tế, bao gồm đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở khiến chúng tôi rất mừng. Bây giờ, chúng tôi mong nhất là có đủ trang thiết bị phòng chống dịch, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, nhất là với cán bộ y tế bản. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao năng lực cho chúng tôi, nhất là về điện tim, thay vì để chúng tôi tự bỏ tiền ra để đi học nâng cao.

Minh Châu ghi

Vũ Thủy thực hiện