Đầu tư bài bản cho y tế cơ sở

- Thứ Năm, 06/01/2022, 07:17 - Chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính không ít lần nhấn mạnh, y tế cơ sở là tuyến gần dân nhất, tiếp cận nhanh nhất, nếu không củng cố thì về tâm lý, người dân sẽ muốn lên tuyến trên. Do đó, phải thống nhất chủ trương, nhận thức, có đề án thay đổi một cách căn cơ, thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Đồng thời, đẩy nhanh tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn về phát hiện, xét nghiệm sàng lọc, điều trị ban đầu, điều trị sớm F0 tại cơ sở, tại nhà...

Khâu "dập lửa" ban đầu 

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế môi trường, Bộ Y tế Nguyễn Huy Nga ví việc điều trị Covid-19 như “dập lửa”. Nếu lửa mới bắt đầu nhen nhóm nhỏ, mà dập ngay lập tức thì không thành đám lửa lớn còn nếu đợi đến khi đám lửa đã bùng lên, dập cực kỳ khó khăn. Lúc này, cần nhất tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao, nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai phương án quản lý, điều trị tại nhà đối với những trường hợp bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sẽ giúp giảm áp lực cho các cơ sở điều trị Covid-19, tạo thuận lợi và tâm lý thoải mái, lạc quan cho người bệnh. Tuy nhiên, việc quản lý, điều trị tại nhà đối với F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đang đặt lên vai cán bộ y tế cơ sở trách nhiệm nặng nề, bởi họ phải đảm đương đủ loại công việc như lấy mẫu xét nghiệm, chuyển bệnh nhân đi điều trị, chuyển F1 đi cách ly, đến tiêm chủng… 

	Cần quan tâm, đầu tư có hiệu quả cho y tế cơ sở Nguồn: ITN
Cần quan tâm, đầu tư có hiệu quả cho y tế cơ sở
Nguồn: ITN

Theo giáo sư Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Việt Nam đã xây dựng được một tuyến y tế từ cơ sở thuộc xã/phường, quận/huyện đến cấp tỉnh, thành phố cũng như Trung ương. Nhờ đó, đã đáp ứng khá tốt với dịch trong 3 làn sóng đầu tiên kể từ đầu năm 2020 đến khoảng giữa năm 2021. Tuy nhiên, khi biến chủng Delta lây lan rộng và khiến số lượng bệnh nhân tăng đột biến, hệ thống này đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tình hình cũng như khám, chữa bệnh cho người dân. Đến thời điểm hiện tại, áp lực với ngành y tế vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm; thậm chí, với biến chủng Omicron mới xuất hiện trên thế giới, sự lo ngại đang tiếp tục tăng lên.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, trong đó, hơn 87% trạm có bác sĩ và 97% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Tuy nhiên, y tế cơ sở đang tồn tại nhiều hạn chế về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Hơn 1 nửa số trạm y tế cần phải nâng cấp, sửa chữa. Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, không thể phủ nhận y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đầy đủ.

Lực lượng mỏng, lượng công việc lớn

Trong những ngày này, cùng với cả nước, Hà Nội đang thực hiện sống thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, trong đó, vai trò của tuyến y tế cơ sở càng thể hiện rõ nét. Hà Nội hiện có 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, hệ thống này đang thiếu nhân lực trầm trọng. Thực tế cho thấy, nhân lực tại một trạm y tế ở Hà Nội chỉ khoảng từ 5 - 10 cán bộ, quá ít so với những vai trò họ “gánh” trên vai các nhiệm vụ về dịch tễ, hướng dẫn cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân... 

Là người hơn 25 năm công tác tại tuyến y tế cơ sở, theo bác sĩ Nguyễn Thị Vượng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng (Hà Nội), chưa khi nào công tác phòng, chống dịch lại yêu cầu sự cấp bách, quyết liệt như hiện nay. Một mặt, nhân viên y tế vừa trực tiếp tham gia chống dịch, vừa phải bảo đảm công tác tiêm chủng, quản lý bệnh không lây nhiễm… cho người dân. Với họ, ngày làm việc không phải là 8 tiếng mà thời gian, công suất gấp đôi, xuyên ngày, xuyên đêm không ngơi nghỉ. Khó khăn lớn nhất đối với y tế cơ sở là lực lượng mỏng, địa bàn rộng với 9.435 dân, 10 cụm dân cư, trong khi lượng công việc quá nhiều nên thường xuyên quá tải. Trạm y tế có 7 người (chỉ có 1 bác sĩ), trong đó, 1 nhân viên nghỉ chế độ thai sản, hiện thiếu 1 nhân sự về chuyên khoa Dược.

Nhìn lại đợt dịch vừa qua, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng nhận định, những điểm yếu của y tế cơ sở đã bộc lộ rõ. Theo đó, thành phố có 310 trạm y tế nhưng hơn một nửa chưa có trưởng trạm và tình trạng này đã kéo dài từ lâu. Trước đây, các trung tâm y tế quận, huyện hay trạm y tế phường, xã trực thuộc UBND quận, huyện và tiêu chí bổ nhiệm trưởng trạm do quận, huyện quyết định. Khi chuyển các trung tâm y tế và trạm y tế về Sở Y tế quản lý, theo các tiêu chí của ngành, không ai đủ điều kiện là trưởng trạm. Hiện nay, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên 10.000 dân tại TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 2,31. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tương ứng là 7,42 và 6,06). Trong khi y tế cơ sở sức mỏng lực yếu, nhưng nhiều người xin nghỉ việc vì không chịu được áp lực. Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, năm 2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, sức chống chịu của lực lượng y tế đẩy lên cao độ, số lượng nhân viên y tế xin nghỉ việc khoảng 1.000 người, gần gấp đôi năm ngoái. 

Nâng chất cho hệ thống y tế cơ sở

Theo các chuyên gia y tế, để tuyến y tế cơ sở trở thành nơi tìm đến đầu tiên của người dân, thay vì vượt tuyến, những nơi này phải phát triển năng lực đủ mạnh, tạo được sự tin tưởng. Muốn vậy, các trạm y tế phải được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, được cấp đủ các loại thuốc cần thiết cho người dân đến khám và điều trị. Về hoạt động khám, chữa bệnh, trạm y tế cần có đủ thuốc, nhất là thuốc cho người mắc bệnh mãn tính với nguyên tắc trạm y tế phải có đủ thuốc tốt như ở bệnh viện. Mặt khác, cần thay đổi cơ cấu cán bộ, bảo đảm trạm y tế phải có bác sĩ y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng, dược tá, điều dưỡng, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và số liệu. Ở nơi có nhiều biên chế hơn sẽ có thêm bác sĩ gia đình và cần có cơ chế, chính sách tăng thu nhập cho y bác sĩ cơ sở. 

Đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ hình thành các trạm y tế lưu động, đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về trạm y tế lưu động và quy định rất rõ một trạm y tế lưu động chỉ phụ trách từ 30 - 50 hộ gia đình hoặc 30 - 50 trường hợp bị F0, tùy theo điều kiện địa lý, điều kiện cụ thể, để làm sao bảo đảm đủ năng lực và khả năng theo dõi những trường hợp này. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin, số điện thoại của trạm y tế lưu động và cơ sở y tế địa phương để khi những trường hợp F0 này báo thì sẽ được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà; thậm chí nếu có diễn biến bất thường thì sẽ có những hướng dẫn khai báo cho y tế thế nào để xử lý kịp thời, tránh việc lây lan ra cộng đồng và tránh việc chuyển từ bệnh nhân nhẹ sang nặng. Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn áp dụng công nghệ thông tin để theo dõi, hướng dẫn với những trường hợp này. 

Thắng bại trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay nằm ở y tế cơ sở, bởi vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải bảo đảm toàn diện, bố trí đủ trạm y tế lưu động khi ca F0 tăng mạnh. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, Sở đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND thành phố phê duyệt tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, và trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở là 2.447 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư cơ sở vật chất cho 307/579 trạm y tế với tổng mức đầu tư khoảng 1.767 tỷ đồng; đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, sơ cấp cứu, tai mũi họng, răng hàm mặt, y học cổ truyền, sản phụ khoa, kế hoạch hóa gia đình... với tổng mức đầu tư khoảng 680 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề xuất thành phố có chính sách tuyển dụng, thu hút, hỗ trợ cán bộ y tế làm việc tại tuyến y tế cơ sở như hỗ trợ kinh phí một lần khi đăng ký về làm việc tại trạm y tế, hỗ trợ tăng thu nhập hàng tháng, hỗ trợ kinh phí khi cử đi đào tạo; quan tâm tuyển dụng bác sĩ y học gia đình, y học dự phòng, y học cổ truyền. Ban hành cơ chế chính sách cho phép trung tâm y tế tuyển dụng thêm lao động và được chi trả từ nguồn ngân sách thành phố. Cụ thể, đối với xã, phường, thị trấn có quy mô dân số trên 25.000 dân thì cứ thêm 2.000 - 3.000 dân được bổ sung 1 nhân viên y tế và cứ trên 10 cán bộ y tế được tuyển dụng từ 2 bác sĩ trở lên...

Dương Cầm