Đấu thầu qua mạng vượt xa chỉ tiêu năm 2020

- Thứ Năm, 15/10/2020, 07:10 - Chia sẻ
9 tháng năm nay, số lượng gói thầu qua mạng đạt 67,6 nghìn, chiếm 84,9%; tổng giá trị gói thầu là 198,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 51,8%. “Kết quả này vượt xa chỉ tiêu tại Nghị quyết 01/2020 của Chính phủ”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tại hội nghị về đấu thầu qua mạng sáng 14.10.

Có gói thầu đạt tỷ lệ tiết kiệm 92%

Sáng 14.10, Cục Quản lý đấu thầu qua mạng tổ chức hội nghị về tình hình triển khai đấu thầu qua mạng 9 tháng và phổ biến nội dung Thông tư 05/2020/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống).

Ông La Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng cho biết, 9 tháng năm nay có 36,6 nghìn bên mời thầu và 111 nghìn đăng ký tham gia Hệ thống và đã được phê duyệt. Cùng với đó, có 368 nghìn kế hoạch lựa chọn nhà thầu và 90,7 nghìn thông báo mời thầu được đăng tải trên Hệ thống. Trung bình 1 ngày, Hệ thống nhận được 400 - 500 gói mời thầu.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầuNguyễn Anh Tuấn khai mạc hội nghị
Ảnh: H.Lan

Đáng chú ý, trong 9 tháng qua, số lượng gói thầu qua mạng đạt 67,6 nghìn, chiếm 84,9%; tổng giá trị gói thầu là 198,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 51,8%. Kết quả này vượt xa chỉ tiêu tại Nghị quyết 01/2020 của Chính phủ. Cụ thể, Nghị quyết 01 yêu cầu năm 2020 số lượng gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng phải đạt 60%; tỷ lệ về giá trị gói thầu đạt 25%. Kết quả này so với tỷ lệ số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng năm 2016 (thời điểm triển khai đấu thầu qua mạng) chỉ đạt 4,14% cũng cho thấy đấu thầu qua mạng đã tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, các gói thầu đấu thầu qua mạng càng thu hút nhiều nhà thầu tham dự càng có tỷ lệ tiết kiệm cao. Ở lĩnh vực hàng hóa, gói thầu có số nhà thầu tham dự nhiều nhất là 27; giá dự toán mời thầu lớn nhất là 232 tỷ đồng và tỷ lệ tiết kiệm cao nhất là 76% (giá thông báo mời là 1,9 tỷ đồng, giá trúng thầu 462 triệu đồng, có 5 nhà thầu tham gia). Ở lĩnh vực xây lắp, gói thầu có số nhà thầu tham dự nhiều nhất là 22; giá dự toán mời thầu lớn nhất là 672 tỷ đồng; tỷ lệ tiết kiệm cao nhất là 50% (giá thông báo mời là 2,2 tỷ đồng, giá trúng thầu 1,1 tỷ đồng, có 4 nhà thầu tham gia).

Ở lĩnh vực tư vấn, gói thầu có số nhà thầu tham dự nhiều nhất là 14; giá dự toán mời thầu lớn nhất là 66 tỷ đồng; tỷ lệ tiết kiệm cao nhất là 85% (giá thông báo mời là 1 tỷ đồng, giá trúng thầu 156 triệu đồng; có 12 nhà thầu tham gia). Ở lĩnh vực phí tư vấn, gói thầu có số nhà thầu tham dự nhiều nhất là 17; giá dự toán mời thầu lớn nhất là 22 tỷ đồng; tỷ lệ tiết kiệm cao nhất là 92% (giá thông báo mời là 238 triệu đồng, giá trúng thầu 18 triệu đồng; 7 nhà thầu tham gia).

“Đấu thầu qua mạng không phải là cây đũa thần”

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Anh Tuấn, kết quả triển khai đấu thầu qua mạng trong 9 tháng qua rất tích cực, cho thấy đây là hướng đi đúng đắn. Công cụ này không chỉ tăng tính công khai, minh bạch trong đấu thầu mà còn mang lại hiệu quả kinh tế khi giúp bên mời thầu và nhà thầu tiết kiệm thời gian, chi phí, thủ tục. Trung bình, đấu thầu qua mạng tiết kiệm thời gian từ 5 - 8 ngày so với đấu thầu truyền thống.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: H.Lan

Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh, đấu thầu qua mạng không phải là cây đũa thần kỳ giúp giải bài toán cạnh tranh công bằng, minh bạch toàn diện như ta vẫn nghĩ vì hiện còn nhiều khó khăn. Thứ nhất, tỷ lệ nhà thầu tham dự bình quân mới chỉ đạt 2,4 nhà thầu/gói thầu. “Số lượng nhà thầu tham gia chưa cao thì tính cạnh tranh chưa đạt hiệu quả cao nhất”. Thứ hai, số gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia chiếm 35% tổng số gói thầu và tỷ lệ tiết kiệm thấp, chỉ đạt 2,24%. Thứ ba, trong hồ sơ mời thầu vẫn còn tình trạng đưa vào điều kiện không phù hợp, hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Thực tế này cho thấy dù kết quả triển khai đấu thầu qua mạng rất tốt nhưng hiệu quả chưa cao như mong muốn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu thầu thẳng thắn nhìn nhận. Ông cũng cho rằng, quan trọng là chủ đầu tư và nhà thầu “tâm phải sáng” mới bảo đảm chất lượng thực sự của đấu thầu.

Về phía Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, trong năm nay đã có những bước cải tiến lớn trong Hệ thống nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho bên mời thầu, nhà thầu; qua đó giúp hoạt động đấu thầu qua mạng gia tăng cả về chất và lượng trong thời gian tới. Trong đó phải kể tới việc triển khai tiện ích cho bên mời thầu, nhà thầu có thể nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp trên Hệ thống; cho phép nhà thầu kê khai dữ liệu về năng lực, kinh nghiệm khi tham gia đấu thầu qua mạng; mở rộng phạm vi áp dụng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn một giai đoạn hai túi hồ sơ; nâng cấp phần mềm cung cấp thông tin đấu thầu trên thiết bị di động. Năm tới, Trung tâm sẽ đưa vào vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia qua mạng tổng thể theo hình thức công - tư (PPP).

Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) đề nghị Cục Quản lý đấu thầu tăng cường truyền thông về sự cần thiết và hiệu quả của đấu thầu qua mạng, đặc biệt hướng tới các nhà thầu vì thực tế vẫn có những nhà thầu “ngại tham gia” đấu thầu qua mạng.

Hà Lan