Kỷ niệm 60 năm thành lập quân giải phóng miền Nam Việt Nam (15.2.1961 - 15.2.2021)

Dấu mốc quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

- Chủ Nhật, 07/02/2021, 07:20 - Chia sẻ
Ngày 15.2.1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Đây là dấu mốc có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta. Hướng đến kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, chúng ta càng nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về sự chỉ đạo chiến lược của Đảng ở thời điểm mang tính chất “bản lề” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - nhân tố giữ vai trò quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tô thắm truyền thống vẻ vang 

Giai đoạn 1959 - 1960, phong trào Đồng khởi của Nhân dân miền Nam thắng lợi đã chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, làm lung lay tận gốc chính quyền Sài Gòn, giáng đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ. Từ phong trào này, ngày 20.12.1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời nhằm tập hợp mọi tầng lớp Nhân dân miền Nam đánh đổ chính quyền tay sai của Mỹ, xây dựng một miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà. Trước sự đấu tranh của quần chúng cách mạng, Mỹ - chính quyền Sài Gòn càng tăng cường đàn áp. Chúng huy động binh lính có xe tăng, xe bọc thép, pháo binh yểm trợ thực hiện các cuộc khủng bố, bắn giết, đốt nhà hết sức man rợ.

Cũng trong giai đoạn này, trên thế giới, các nước xã hội chủ nghĩa đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng đất nước và không ngừng lớn mạnh, là chỗ dựa cho phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân phát triển. Hệ thống các nước thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc đang tan rã từng mảng ở nhiều nơi. Để đối phó, đầu năm 1961, John F. Kennedy lên làm Tổng thống Mỹ, đề ra chiến lược toàn cầu “phản ứng linh hoạt”. Mỹ thực hiện thí điểm ở miền Nam Việt Nam chiến lược toàn cầu mới, đề ra chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Đây là hình thức chiến tranh xâm lược thực dân mới nhằm chống lại phong trào cách mạng và Nhân dân miền Nam, được tiến hành bằng quân đội tay sai dưới sự chỉ huy của hệ thống “cố vấn” quân sự Mỹ và sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ. Thực hiện chiến lược mới đề ra, chỉ thời gian ngắn, Mỹ tăng nhanh viện trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn, đưa vào miền Nam số lượng ngày càng nhiều các cố vấn quân sự và lực lượng hỗ trợ chiến đấu; đồng thời tăng cường bắt lính, mở các cuộc hành quân càn quét, dồn dân lập “ấp chiến lược”...

Căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã họp bàn, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam, tạo đà cho bước phát triển mới. Cuối tháng 1.1961, Bộ Chính trị ra chỉ thị “Về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam”, đã phân tích: trong hai năm 1959 - 1960, ta đã xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân, bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang Nhân dân. Đấu tranh chính trị là chủ yếu, đấu tranh vũ trang là để hỗ trợ đấu tranh chính trị. Nhưng đến nay, tình hình trong nước, quốc tế có sự thay đổi, lực lượng so sánh thay đổi, do đó cần phải chuyển phương châm đấu tranh: “Đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự”. Đấu tranh vũ trang trước đây cốt để tự vệ nay đã được nâng lên nhiệm vụ tiến công và tiêu diệt địch, phối hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị nhằm đủ sức đương đầu với những bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ. Bộ Chính trị nhấn mạnh: Vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang cần phải làm hết sức khẩn trương. Phải sớm hình thành tổ chức thống nhất, giải quyết tốt các vấn đề về kỹ chiến thuật, chỉ đạo tác chiến, trang bị, cung cấp cho bộ đội, chú trọng xây dựng những đơn vị tập trung mạnh. Đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể lúc đó, chủ trương này rõ ràng là nội dung mới, hình thái mới của chiến tranh cách mạng miền Nam, là sự chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Bộ Chính trị nhằm đương đầu với kẻ thù rất hung bạo, nguy hiểm và xảo quyệt.

Thực hiện quyết nghị của Bộ Chính trị đề ra, ngày 15.2.1961, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức thành lập. Trong chỉ thị gửi lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, Tổng Quân ủy (Quân ủy Trung ương) khẳng định rõ: “Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là một bộ phận của Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Đảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo... Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam kế tục truyền thống anh dũng, tinh thần quật khởi và đoàn kết chiến đấu của Nhân dân miền Nam anh hùng, kế tục truyền thống vẻ vang phục vụ Nhân dân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Mục tiêu chiến đấu của quân đội, đó là kiên quyết thực hiện cương lĩnh, đường lối của Đảng, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng, tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Sau khi thành lập, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vừa chiến đấu vừa xây dựng, kết hợp lực lượng tại chỗ với lực lượng bổ sung, tăng cường từ hậu phương lớn miền Bắc; cùng với sự ủng hộ giúp đỡ của Nhân dân miền Nam và sự phối hợp chiến đấu của quân dân hai nước bạn Lào, Campuchia đã có sự lớn mạnh, trưởng thành nhanh chóng, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, từng bước đánh bại các kế hoạch chiến tranh của địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những chiến công tiêu biểu như: Ấp Bắc (1963), Bình Giã (1964), Vạn Tường, Ia Đrăng (1965), Tết Mậu Thân, Khe Sanh (1968), Đường 9 - Nam Lào (1971), Quảng Trị (1972), tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tự hào về những chiến công vang dội

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập là dấu mốc có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta.  

Thứ nhất, đánh dấu bước chuyển căn bản của cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, cho thấy sự chỉ đạo chiến lược rất đúng đắn, sáng tạo đáp ứng yêu cầu, quy luật phát triển của chiến tranh. Việc hình thành tổ chức quân sự tập trung thống nhất trên phạm vi toàn miền, nhất là có các đơn vị chủ lực mạnh trực tiếp tăng cường sức mạnh của cách mạng miền Nam, sẵn sàng đương đầu và đập tan các kế hoạch quân sự mới của Mỹ - chính quyền Sài Gòn. Trên thực tế, Quân Giải phóng trở thành lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; đồng thời không ngừng đẩy mạnh tác chiến tiêu diệt địch, từ đánh tập trung quy mô đại đội (1961), tiến lên đánh tập trung quy mô tiểu đoàn, trung đoàn (1963 - 1965), sư đoàn (cuối 1965). Từ năm 1972, Quân giải phóng đã tiến lên đánh tập trung quy mô nhiều sư đoàn rồi quân đoàn và nhiều quân đoàn, tác chiến hợp đồng binh chủng, quân chủng, tiêu biểu nhất là các chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh trong mùa Xuân 1975 đập tan quân đội, chính quyền Sài Gòn, giành thắng lợi quyết định.

Thứ hai, góp phần khẳng định sự độc lập, tự chủ về đường lối kháng chiến đã chính thức thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9.1960). Theo đó, cách mạng miền Nam vận dụng tư tưởng chiến lược tiến công, phát triển lực lượng chính trị, xây dựng căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang, đánh địch cả vể chính trị và quân sự, thực hiện nhiệm vụ chiến lược quan trọng là tiêu diệt sinh lực địch, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Đường lối đó rõ ràng là khác với những lời khuyên, gợi ý của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, trong đó có Liên Xô (khuyên ta phải thi đua xây dựng hòa bình, làm cho miền Bắc mạnh lên sẽ phát huy tác dụng đối với miền Nam) và Trung Quốc (cho rằng Việt Nam chỉ có thể dùng phương châm thích hợp là trường kỳ mai phục, tích trữ lực lượng, liên hệ quần chúng, chờ đợi thời cơ).

Hướng đến kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (15.2.1961 - 15.2.2021), chúng ta càng thêm tự hào về những chiến công vang dội đã giành được; đồng thời cũng nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về sự chỉ đạo chiến lược của Đảng ở thời điểm mang tính chất “bản lề” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - cũng là nhân tố giữ vai trò quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

TS. Trần Hữu Huy - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam