Dấu mốc của dân chủ
Cuộc bầu cử ngày 8.11.2015 là bước cuối trong lộ trình tiến tới dân chủ gồm 7 bước. Đây cũng được xem là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Myanmar.
Theo lộ trình 7 bước tiến tới dân chủ được thực hiện từ năm 2003, Myanmar đã tổ chức cuộc tổng tuyển cử ngày 8.11.2015. Đây là cuộc bầu cử tự do đầu tiên kể từ khi Chính phủ dân sự trên danh nghĩa của Tổng thống Thein Sein được thành lập vào năm 2011, chấm dứt sự cai trị của quân đội kéo dài gần 50 năm. Trong cuộc tổng tuyển cử này, đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã giành chiến thắng vang dội, kiểm soát 255 trên tổng số 327 ghế Hạ viện, 135/168 ghế Thượng viện và 497/644 ghế trong các Hội đồng lập pháp bang/vùng (chiếm 77,1%).
Với kết quả đó, đảng NLD lên nắm quyền và tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong cán cân quyền lực ở Myanmar, trong tương quan quyền lực giữa một bên là phe dân chủ bén rễ trong Quốc hội và một bên là phe quân đội len lỏi sâu trong các cơ quan nhà nước. Theo luật pháp, nghị sĩ không được phép kiêm nhiệm các vị trí trong Chính phủ. Vì vậy, Quốc hội Myanmar hiện đang khuyết một số ghế, do một số nghị sĩ chuyển sang đảm nhiệm cương vị trong Chính phủ. Dự kiến, Myanmar sẽ tiến hành cuộc bầu cử bổ sung vào năm 2017.
![]() Chủ tịch đảng NLD Aung San Suu Kyi cùng các tân nghị sĩ cử hành lễ nhậm chức sau cuộc bầu cử tháng 11.2015 |
Quốc hội Liên bang Myanmar khóa mới đã tiến hành kỳ họp đầu tiên từ ngày 1.2 - 10.6.2016. Tại phiên khai mạc, các nghị sĩ đã bầu ông Win Myint thuộc đảng NLD làm Chủ tịch Hạ viện. Tại phiên họp tiếp theo diễn ra ngày 3.2.2016, Thượng viện đã bầu ông Mahn Win Khang Than giữ chức Chủ tịch Thượng viện mới. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu ông Htin Kyaw làm Tổng thống, cùng hai ông Myint Swe và Henry Van Thio làm Phó Tổng thống. Toàn bộ Nội các Myanmar đã tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội, chấm dứt quá trình chuyển giao quyền lực kéo dài 144 ngày kể từ cuộc tổng tuyển cử tháng 11.2015.
Chính quyền mới ở Myanmar được xem là hy vọng của người dân nhằm xây dựng đất nước bình ổn, đoàn kết và phát triển. Trước kỳ vọng đó, ngay sau khi được bầu lại làm Hạ nghị sĩ, Chủ tịch đảng NLD Aung San Suu Kyi đã gửi thư riêng và đề nghị gặp Tổng thống U Thein Sein, Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ U Shwe Mann và Tư lệnh Lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing nhằm hối thúc đối thoại trên cơ sở hòa giải dân tộc. Sau khi lên cầm quyền, chính quyền Nay Pyi Taw đã đề ra các ưu tiên gồm hòa giải dân tộc, thúc đẩy hòa bình và đoàn kết trong nước, sửa đổi Hiến pháp và cải thiện đời sống cho người dân.
Bước sang nhiệm kỳ thứ hai, Quốc hội liên bang Myanmar là một trong những cơ quan lập pháp non trẻ nhất trên thế giới, đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, Lãnh đạo Quốc hội liên bang Myanmar đã đề ra chương trình hoạt động khá tham vọng là xem xét lại hệ thống luật pháp của Myanmar và cải thiện quy trình lập pháp. Giới quan sát cho rằng, sau giai đoạn đổi thay nhanh chóng, mặc dù tương lai cục diện chính trị của Myanmar vẫn chưa thực sự rõ ràng song vai trò và vị thế của Quốc hội liên bang Myanmar sẽ được củng cố và tăng cường.