Dầu mỏ Trung Đông và bài toán địa chính trị

Hồ Điệp 23/01/2010 00:00

Hội nghị quốc tế về Năng lượng tương lai vừa kết thúc hôm qua 22.1 tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, UAE) đã đặt ra hai vấn đề lớn cho Trung Đông. Đó là tiếp tục đảm bảo nguồn dầu mỏ và tận dụng nó để củng cố vị trí địa chính trị trong bối cảnh mới.

Trong một dự báo mới nhất đưa ra tại hội nghị, Cơ quan Năng lượng Quốc tế lần đầu tiên đã đưa ra một khuyến cáo: Năm  2020 có thể sẽ là thời điểm “phải lo ngại” đối với nguồn dầu mỏ toàn cầu. Lượng dầu mỏ sản xuất hiện đã gần tới đỉnh và 10 năm nữa với số lượng khai thác và sử dụng với tốc độ như hiện nay, nguồn dầu mỏ cạn kiệt là viễn cảnh có thể xảy ra. Và Trung Đông, vựa dầu lớn của thế giới cũng không nằm ngoài bức tranh màu xám này.

Trung Quốc đang đẩy mạnh sự hiện diện tại châu Phi vì nhu cầu sử dụng năng lượng tự thân của họ. Đến năm 2030, dự kiến Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu 2/3 nguồn năng lượng. Đó là không kể đến các quốc gia đang phát triển nhanh khác như Ấn độ, Braxin. Sự thiếu hụt này đang đặt ra một thách thức to lớn cho các thị trường dầu mỏ truyền thống. Nó cũng là thách thức với các nước Trung Đông khi vựa dầu này luôn là nơi “nhạy cảm cao” với các biến động giá cả. Khi giá dầu sụt giảm nghiêm trọng, các nước sản xuất dầu mỏ chắc chắn sẽ thấy kế hoạch phát triển kinh tế của họ bị tổn hại, dẫn tới những điều chỉnh về tăng trưởng và tính toán ngân sách. Những tác động này không chỉ khiến các quốc gia Ảrập đau đầu, mà còn khiến các “đại gia dầu mỏ” như Ảrập Xêút, Iran, hay Kuwait cũng phải tính toán.

Syria và Yemen là một ví dụ khác. Chính sách phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào dầu mỏ, ít chú trọng đến các lĩnh vực khác đang đem lại hậu quả không mấy hay ho. Giá dầu sụt giảm, nguồn khai thác có hạn và các đơn đặt hàng nước ngoài bị chi phối bởi các yếu tố khác, khiến Damacus và Sana’a có phần rơi vào thế bị động. Trong bối cảnh ấy tương lai là yếu tố khó định khi các nước phải tính đến những tình huống rủi ro nhất. Đối với Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), có nghĩa là phải đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế. Đối với Ảrập Xêút, đó là phải bảo vệ vai trò chủ soái của mình trong lĩnh vực cung cấp năng lượng một cách ổn định.

Hiện, đã có thêm nhiều yếu tố nữa tác động đến lượng dầu mỏ. Biến đổi khí hậu đang làm các dải san hô và những khu rừng nhiệt đới dần biến mất. Lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính tác động đến cuộc sống con người ngày càng rõ nét và cũng là nguyên nhân gián tiếp gây sụt giảm lượng dầu mỏ. Trong khi đó, sự bất ổn ở nhiều khu vực lớn, trong đó có vùng Sừng châu Phi, phiến quân ở Đồng bằng sông Niger, cướp biển Somali hay những “trục trặc” ở eo biển Hormuz cũng là một yếu tố phải tính đến, khi nó có thể cuốn các quốc gia vào vòng xoáy xung đột. Chẳng hạn như nếu những rắc rối ở eo biển Hormuz xảy ra và Iran, một thành viên chủ chốt của OPEC không làm ngơ trước những diễn biến đó, thì mọi việc có thể thay đổi hoàn toàn. Trong khi đó, những mỏ dầu ở Mexico và nhiều quốc gia sản xuất dầu khác trên thế giới đang dần khô cạn, khiến nguồn cung mỗi ngày thêm thắt chặt.

Trong một dự báo gần đây, các chuyên gia cho rằng nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng lên tới 118 triệu thùng/ngày vào năm 2030. Trong bối cảnh mới hiện nay, để duy trì và củng cố vị thế địa chính trị, Trung Đông sẽ phải bắt đầu nghĩ đến một tương lai mới, nằm ngoài sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ tham gia vào dự án đường ống dẫn khí đốt Nabucco đóng góp vào an ninh năng lượng EU. “Chúng tôi mong muốn sẽ đóng góp vào an ninh năng lượng của châu Âu thông qua hiệp định về đường ống dẫn khí đốt Nabucco”, Thủ tướng Thổ Nhỹ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh.

Cũng tương tự như vậy, ngày 18.1 vừa qua, Iraq đã ký thỏa thuận về hợp tác năng lượng với Liên minh châu Âu (EU). Qua đó đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực gồm khí đốt tự nhiên, an ninh năng lượng và các nguồn năng lượng tái sinh. Tìm hướng đi riêng cho mình, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất UAE sẽ triển khai mạnh mẽ các chiến lược phát triển năng lượng tái tạo. Abu Dabi năm ngoái đã được chọn là nơi đặt trụ sở Cơ quan Năng lượng Tái sinh Quốc tế (IRENA) mới. Hiện, Abu Dabi chiếm hơn 95% trữ lượng dầu mỏ đã được kiểm chứng của UAE - nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới. Cũng chính quốc gia này đã đề xuất sáng kiến Masdar nhằm kiến tạo một thành phố “không CO2” là nơi cư ngụ của 50.000 người với mục tiêu xây dựng tiểu vương quốc này thành hình mẫu về sử dụng năng lượng sạch.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dầu mỏ Trung Đông và bài toán địa chính trị
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO