Dầu mỏ trong bức tranh thế giới đa chiều

Hồng Ngọc 08/09/2012 08:48

Biến địa bàn sở hữu mình trở thành thiên đường, đó là dầu mỏ. Đóng vai trò nguồn gốc của xung đột, đó là dầu mỏ. Trở thành công cụ chi phối trên chính trường quốc tế, cũng là dầu mỏ. Trong bức tranh toàn cảnh thế giới, không chỗ nào thiếu bóng dáng vàng đen, chỉ khác nhau ở chỗ có nét đậm, nét nhạt.

Nếu nói về thiên đường dầu mỏ thì Afghanistan là nơi đáng được đề cập. Các công ty dầu mỏ quốc tế như Exxon đang rất quan tâm đến nguồn tài nguyên của Afghanistan. Đó là chưa kể rất nhiều công ty chỉ còn một chút do dự về tình trạng hậu chiến tranh, nạn tham nhũng và chia rẽ sắc tộc ở đất nước Nam Á này. Theo giới phân tích, Exxon sẽ không đầu tư vào Afghanistan trừ khi thị trường này đầy tiềm năng. Nếu gã khổng lồ dầu lửa Mỹ dòm ngó nguồn tài nguyên của Afghanistan, chính là bởi việc khai thác tại nước này dễ hơn khai thác tại Bắc cực.

Khu vực phía Bắc Afghanistan có thể chứa nhiều mỏ vàng đen có trữ lượng khổng lồ. Trong đánh giá mới nhất, Cục thăm dò địa chất Mỹ (USGS) dự báo khu vực này có trữ lượng 1,9 tỷ thùng. Đợt gọi thầu cho khu vực trên diễn ra đến cuối tháng 10 và kết quả sẽ được công bố vào giữa tháng 12 tới. Các tài liệu đánh giá các mỏ chứa hàng triệu thùng dầu nằm tại 6 khối khác nhau. Các hoạt động khai thác dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3.2013.

Đối với Chính phủ Afghanistan, triển vọng khai thác dầu lửa là rất lớn. Bộ Kinh tế Afghanistan đánh giá dầu lửa có thể mang lại cho nước này khoảng 10 tỷ USD/năm. Đó là một nguồn thu lớn trong khi GDP của Afghanistan năm 2011 ở mức 16 tỷ USD và phải phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ quốc tế. Hiện có 8 công ty đang cạnh tranh đấu thầu các mỏ tại bồn địa Afghanistan - Tajikistan. Ngoài Exxon còn có 7 công ty nhỏ hơn gồm Dragon Oil (Ảrập Xêút), Kuwait Energy (Kuwait), ONGC Videsh (Ấn Độ), Petra Energia (Brazil), Pakistan Petroleum (Pakistan), PTT (Thái Lan), TPAO (Thổ Nhĩ Kỳ). Tất nhiên, ngoài vấn đề an ninh, các tập tục địa phương theo kiểu “phép vua thua lệ làng” cũng làm nản lòng các nhà đầu tư. Người Afghanistan sẵn sàng đón tiếp cả thế giới, tạo mọi cơ hội nếu kết quả làm họ hài lòng. Còn không, họ sẽ xua đuổi. Mặc dù được các chính phủ phương Tây khuyến khích, các công ty đa quốc gia đang tiếp tục do dự khi đầu tư vào một đất nước xếp thứ tư trong số các nước tham nhũng nhất thế giới. Vốn có thể là phương tiện hỗ trợ nền kinh tế Afghanistan đang yếu kém, song giới quan sát cũng tỏ ý hoài nghi khi phần lớn các nước giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên vẫn tiếp tục bị tàn phá, như trường hợp Iraq, Cộng hòa Dân chủ Congo hay Sudan.

Tại dải Sahel (gồm những nước như Senegal, Mauritania, Mali, Nigie, Nigeria, Sudan...), cuộc cạnh tranh về tài nguyên dầu mỏ giữa các cường quốc lớn, trong đó có Pháp và Mỹ, đang diễn ra sôi nổi. Thực tế địa lý của khu vực này đang cho phép một số nhà nước tăng cường hiện diện kinh tế và quân sự để kiểm soát tốt hơn các nguồn tài nguyên của các nước Tây và Bắc Phi. Mục đích của họ là hiện diện trong hành lang chiến lược trên để đảm bảo vận chuyển an toàn nguồn cung nguyên liệu, năng lượng, tài nguyên mỏ tới vịnh Guinea, sau đó vận chuyển đến các thị trường Mỹ; vận chuyển qua sa mạc Sahara và Địa Trung Hải tới châu Âu; vận chuyển qua biển Đỏ để tới châu Á.

Theo giới phân tích, tầm quan trọng kinh tế của khu vực này không ngừng tăng lên trong những năm qua sau khi các mỏ có trữ lượng tài nguyên năng lượng lớn được phát hiện tại Chad và Mauritania. Thách thức năng lượng đã làm gia tăng sự can thiệp của Pháp, Trung Quốc và Mỹ vào khu vực này. Tập đoàn dầu lửa Pháp Total thông báo vừa ký hai hợp đồng thăm dò dầu khí với chính quyền Mairitania tại bồn địa Taoudéni. Mỹ cũng có một dự án đường ống dẫn dầu nhằm phá thế cô lập của Cộng hòa Chad để hướng ra vịnh Guinea. Trung Quốc đang nhập khẩu dầu của Nam Sudan qua cảng Port - Soudan để vận chuyển ra biển Đỏ. Qua Công ty dầu khí CNPN của mình, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Sudan với nguồn vốn 5 tỷ USD phát triển các mỏ dầu khí.

Dầu mỏ cũng trở thành bài học cho Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khi họ áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran và không nhận được sự nhất trí từ phần lớn các nước châu Á. Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan mua khoảng 38% lượng dầu xuất khẩu của Iran, còn Trung Quốc mua tới 60%. Chính vì vậy, việc cùng chung chí hướng với Mỹ và EU sẽ chỉ là những lời cam kết. Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ cũng lỗi hẹn với Mỹ vì thực sự hiện nay hai nước này không thể tìm kiếm hàng triệu thùng dầu thay thế nguồn cung từ Iran.

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu dầu mỏ và khí đốt của thế giới sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Mỹ đang nhập khẩu 15% nhu cầu từ châu Phi và sẽ tăng lên 25% vào năm 2015. Châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ chiếm khoảng 65% nhu cầu năng lượng gia tăng của tất cả các nước phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Trong bối cảnh đó, dầu mỏ sẽ tiếp tục vẽ nên một bức tranh thế giới đa chiều, đa màu sắc và cả đường nét.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dầu mỏ trong bức tranh thế giới đa chiều
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO