Đâu là rào cản kỹ thuật nông sản xuất khẩu ?

- Thứ Bảy, 21/11/2020, 07:08 - Chia sẻ
Là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu trên thế giới, Việt Nam không tránh khỏi sự “để ý” của các nước nhập khẩu. Họ có thể đưa ra những rào cản kỹ thuật như các tiêu chuẩn mới về an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với Covid-19 để hạn chế nhập khẩu nông sản của nước ta. Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh, ngành nông nghiệp phải thay đổi cách thức sản xuất, hướng tới tiêu chuẩn chất lượng cao.

Hàng rào kỹ thuật ngày càng chặt 

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho hay, trong khủng hoảng dịch Covid-19, ngành nông nghiệp một lần nữa chứng tỏ vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Trong khi các ngành khác đều gặp khó khăn, đặc biệt trong xuất khẩu, thì ngành nông lâm thủy sản nhiều khả năng xuất khẩu 41 tỷ USD trong năm nay, đưa Việt Nam lọt vào tốp đầu thế giới về tăng trưởng xuất khẩu nông sản. Hiện nay, không chỉ doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước quan tâm mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư vào nông nghiệp.

	Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý trưởng đại diện, Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) tại Việt Nam cho biết, dự báo từ nay đến năm 2050 nhu cầu lương thực tiếp tục tăng mạnh. Đây là cơ hội cho các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. "Tuy nhiên nhiều nước đang lấy lý do dịch Covid-19 để đưa ra các tiêu chuẩn mới về an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, không phải bây giờ vấn đề hàng rào kỹ thuật với nông sản xuất khẩu mới được đặt ra, trong bối cảnh dịch Covid-19, câu chuyện này càng được các thị trường xuất khẩu siết chặt hơn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu trên thế giới, do đó không tránh khỏi sự “để ý” của các nước nhập khẩu.

Dẫn chứng cụ thể, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết, Trung Quốc vốn được cho là thị trường dễ tính nhưng nay đã nâng cao yêu cầu về chất lượng sản phẩm, đòi hỏi cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở nhà máy đóng gói...

Thực tế này, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thay đổi cách thức sản xuất, hướng tới tiêu chuẩn chất lượng cao.

Nông nghiệp công nghệ cao - không dễ

Để tận dụng cơ hội xuất khẩu, đặc biệt sang thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, từ kinh nghiệm bản thân, ông Huy chia sẻ phải đánh giá nhu cầu thị trường, sản xuất bài bản, ứng dụng công nghệ cao mới phục vụ được người dùng thế giới. Cần nghiên cứu, thống kê rõ có bao nhiêu người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm hữu cơ giá cao để sản xuất cho đúng. “Ngoài việc đáp ứng chất lượng đạt chuẩn VietGAP được chấp nhận theo thông lệ thì tùy vào thị trường từng nước phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn riêng của họ. Ngay cả khi làm GlobalGAP, vẫn phải cộng những yêu cầu của đối tác chứ chỉ làm GAP không là không đủ”, ông Huy nói.

	Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khẳng định phát triển nông nghiệp cần hướng tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tuy vậy bà Mai Thị Hồng, Hiệp hội hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan - Việt Nam cho rằng việc này không dễ. Hà Lan có khoảng 17 triệu dân nhưng có tới 11 nghìn hecta nhà kính. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hà Lan đang chiếm thị phần lớn trên thế giới. Liệu Việt Nam có thể xây dựng được một nền nông nghiệp thành công như Hà Lan? Theo bà Hồng, Việt Nam có nhiều khó khăn khi tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao do chưa đủ vốn, nhân lực chất lượng cao thiếu.

“Trước kia chuyên gia Hà Lan sang giúp Việt Nam chuyển giao công nghệ theo dự án hỗ trợ nhưng khi họ về nước chúng ta lại quay về khó khăn ban đầu do không có năng lực để tiếp thu, sử dụng công nghệ”. Theo bà Hồng, cách hiệu quả nhất để Việt Nam phát triển được nông nghiệp công nghệ cao là thông qua khu vực hợp tác xã, cần phải đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hơn nữa.

“Chỉ khi nào khoa học công nghệ xuất hiện vững chắc trong từng ngành hàng, từng sản phẩm, địa bàn… thì nông nghiệp mới thực sự vững mạnh toàn diện”, bà Nguyễn Giang Thu, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu tư của Nhà nước cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong nông nghiệp đã đạt được một số thành tựu. Tuy nhiên, đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nông nghiệp còn thấp, chưa tới ngưỡng nên chưa tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ mang tính đột phá, đặc trưng vùng, liên vùng. Hiện Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp tương đương 0,2% GDP nông nghiệp, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này cao gấp 3 - 5 lần, thậm chí gấp 10 lần.

Tuệ Anh