Việc làm bền vững cho người lao động

Đâu là hướng đi thích hợp?

- Thứ Ba, 05/05/2020, 08:48 - Chia sẻ
Theo đánh giá của các chuyên gia lao động, tác động của dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu lao động tự do ở các tỉnh, thành phố lâm vào tình cảnh thất nghiệp, sống cầm cự qua ngày. Chính vì thế, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ sẽ góp phần làm vơi đi những khó khăn cho người lao động. Tuy nhiên, để bảo đảm việc làm bền vững, bên cạnh gói hỗ trợ của Nhà nước, người lao động và doanh nghiệp cần tìm cơ hội trong thách thức để thích ứng.

Người lao động điêu đứng vì mất việc

Là Trưởng phòng Nhân sự của một Công ty tư vấn giáo dục trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), chị Vân Anh không nghĩ có một ngày chị phải đứng xếp hàng để làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn bộ công ty - nơi chị làm việc phải tạm dừng. Chị Vân Anh chia sẻ, “suốt 3 tháng, công ty với hơn 100 người không có việc, chỉ biết ngồi nhìn nhau. Nhiều người xin nghỉ việc, làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi về quê. Tôi cố gắng cầm cự nhưng đến giờ cũng không thể tiếp tục trụ lại nữa vì doanh thu của công ty trong giai đoạn này bằng không. Để có tiền trang trải tạm thời cuộc sống, tôi đành phải xin nghỉ việc, lĩnh tiền trợ cấp thất nghiệp”.

Anh Nguyễn Chí Toàn và vợ là chị Chu Thị Giang (Văn Lâm, Hưng Yên) lại không được may mắn như chị Vân Anh. Hai vợ chồng anh chị đều là lao động tự do, không có nghề nghiệp ổn định. Hàng ngày, công việc của anh chị là phân loại rác thải cho một cơ sở tư nhân tại làng Khoai (Văn Lâm, Hưng Yên) với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Công việc tuy không quá vất vả nhưng đặc thù công việc của anh chị lại bập bõm, không ổn định. Có việc thì làm liên tục nhưng cũng không hiếm thời gian anh chị nghỉ chờ việc đến hàng tuần trời.  Anh Toàn than thở, “hai vợ chồng tôi vì không có việc làm ổn định nên thu nhập hàng tháng rất thất thường. Nếu dịch bệnh kéo dài, không có việc để làm không biết tới đây những lao động như chúng tôi sống như thế nào nữa”.

Có thể thấy, so với hàng chục nghìn lao động tự do, di cư thì chị Vân Anh vẫn còn là người may mắn, vì dẫu sao khi thất nghiệp còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Là lực lượng đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế nhưng khi dịch Covid-19 xảy ra, lao động phi chính thức là lực lượng bị tổn thương nhất. Bởi, phần lớn những lao động này không được hưởng các hình thức bảo vệ cơ bản như khi làm những công việc chính thức, cụ thể là chế độ bảo vệ thu nhập, nghỉ ốm và chăm sóc y tế. Theo Báo cáo nhanh của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, trong năm 2019 có 38,1 triệu người đang làm các công việc phi chính thức. Trong số đó, gần 13 triệu lao động làm việc trong các lĩnh vực phải đối diện với cú sốc kinh tế nặng nề nhất của Covid-19 như dịch vụ lưu trú, sản xuất, kho bãi, thương mại, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa…

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi lao động 3 tháng đầu năm là 2,22%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,18% và nông thôn là 1,73%. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 - 24 tuổi) trên cả nước lên đến 7,01%, nếu tính riêng khu vực thành thị lên đến 9,91%. Trong khi đó, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2%, cao hơn 0,83% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. 

Tìm cơ hội để thích ứng

Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, gói hỗ trợ hơn 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ được kỳ vọng sẽ giúp khoảng 20 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt khó khăn ổn định cuộc sống. Với chức năng là cơ quan chủ trì triển khai gói hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, gói hỗ trợ sẽ đến tay người lao động khó khăn trong thời gian sớm nhất, không để trễ; công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách.

Việc triển khai gói hỗ trợ được kỳ vọng sẽ góp phần làm vơi đi phần nào khó khăn cho hơn 20 triệu người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên theo các chuyên gia, cùng với gói hỗ trợ của Nhà nước thì bản thân mỗi doanh nghiệp và người lao động phải nỗ lực vận động, tìm cơ hội để thích ứng. Báo cáo về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam quý I.2020 được Navigos Search công bố ngày 17.4 cho thấy, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến những ngành dịch vụ như du lịch - khách sạn chịu tác động trực tiếp từ chính sách hạn chế di chuyển và quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, thương mại điện tử, đặc biệt cho ngành hàng thiết yếu lại đang phát triển mạnh vì giải quyết được việc hạn chế gặp gỡ và thanh toán trực tiếp. Dự đoán, trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư mới vào thị trường Việt Nam khiến nhu cầu tuyển dụng của ngành thương mại điện tử sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2020 và 2021. Điều này cho thấy, nếu người lao động, doanh nghiệp biết đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin thì có thể dễ dàng thích ứng với nhu cầu của xã hội cũng như tình hình dịch bệnh.

Chia sẻ về giải pháp ổn định việc làm trước diễn biến của dịch Covid-19, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, doanh nghiệp phải có chính sách giữ chân người lao động. Đây là chiến lược về phát triển nhân lực, biện pháp quản lý nhân sự trong doanh nghiệp phải lưu ý vấn đề này. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ tiền mặt thì cần phải sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo và tái cơ cấu lao động, trong đó việc đào tạo không của riêng các trường, bộ, địa phương mà cần phải có sự tham gia của các doanh nghiệp.

Cùng quan điểm trên, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam - TS Chang - Hee Lee cho rằng, Chính phủ nên hướng sự hỗ trợ và các gói trợ giúp tới các doanh nghiệp nỗ lực nhất trong việc giữ người lao động và giảm thiểu mức độ sa thải bằng các biện pháp điều chỉnh thời giờ làm việc, chia sẻ công việc, đào tạo tại chỗ, giảm lương có sự tham khảo ý kiến của công đoàn và người lao động. Làm như vậy sẽ khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực hết mình trong việc giữ người lao động và giảm thiểu mức độ sa thải, từ đó làm chậm quá trình sa thải, giảm thiểu cú sốc đối với xã hội mà khủng hoảng gây nên trong khi vẫn duy trì được năng suất của người lao động cho công cuộc phục hồi nhanh hơn hậu Covid-19.

Thái Yến