Đâu là điểm nghẽn?
(ĐBNDO)- Hàng năm cả nước trồng được trên 200.000 ha rừng tập trung, trong đó 90% là rừng sản xuất. Dịch vụ môi trường bình quân hằng năm thu được 1.200 tỷ đồng… Mặc dù đạt được kết quả khá ấn tượng, nhưng đến nay vẫn còn 25 tỉnh và thành phố chưa phê duyệt đề án và kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tại địa phương mình…
Mục tiêu cụ thể của tái cơ cấu ngành lâm nghiệp là nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 4 - 4,5%. Diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2020 khoảng 16,2 - 16,5 triệu ha. Trong đó: rừng sản xuất 8,132 triệu ha, rừng phòng hộ 5,842 triệu ha và rừng đặc dụng 2,271 triệu ha. Tập trung phát triển rừng sản xuất: diện tích rừng sản xuất là rừng trồng khoảng 3,84 triệu ha, gồm: 2,4 triệu ha rừng trồng hiện có; 1,0 triệu ha trồng mới và 0,35 triệu ha cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt. Quy hoạch và xây dựng các vùng trồng rừng gỗ lớn tập trung với diện tích khoảng 1,2 triệu ha để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. |
Mục tiêu và vướng mắc
Đến tháng 6/2015 trên địa bàn cả nước đã có 35/60 tỉnh, thành phố có rừng đã ban hành đề án hoặc kế hoạch hành động về tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Theo đó, một số địa phương đã triển khai rà soát, quy hoạch vùng phát triển rừng trồng gỗ lớn, cây đặc sản lợi thế của địa phương như Yên Bái, Thanh Hóa, Lâm Đồng,...; xây dựng các nhà máy chế biến gỗ gắn với vùng nguyên liệu tại địa phương ở Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên,... Hiện đã có 10 địa phương đã xây dựng được 57 mô hình sản xuất lâm nghiệp hiệu quả, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh sự vào cuộc và đưa lại nhiều kết quả từ tái cơ cấu lâm nghiệp ở nhiều địa phương thì đến nay cả nước vẫn còn 25 tỉnh và thành phố chưa phê duyệt đề án và kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tại địa phương mình. Theo các chuyên gia, sở dĩ còn tồn tại thực tế nhiều địa phương chưa mặn mà với tái cơ cấu lâm nghiệp là do nhận thấy các mô hình sản xuất lâm nghiệp hiệu quả cao còn ít, chủ yếu là các mô hình lâm sản ngoài gỗ. Trong khi hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật của các tổ chức nhà nước chưa cho hiệu quả cao thì sự tham gia của doanh nghiệp, sự liên kết giữa các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp cũng chưa có sự gắn kết. Cùng với đó là thực tế năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số loại lâm sản còn thấp. Từ đó dẫn đến thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, kéo theo tình trạng phá rừng trái pháp luật vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Theo đó, việc thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu bị hạn chế.
Đòn bẩy tạo sức hút cho tái cơ cấu
Trái ngược với sự thờ ơ của 25 tỉnh, thành trước việc thực hiện đề án tái cơ cấu lâm nghiệp, thì có những địa phương say sưa nhập cuộc tái cơ cấu. Là tỉnh miền núi, Yên Bái điểm xuất phát của nền kinh tế còn thấp, việc khai thác tiềm năng lợi thế chưa triệt để, sự phân bổ lực lượng sản xuất chưa đồng đều; nguồn vốn đầu tư, tín dụng cho sản xuất nông lâm nghiệp, đặc biệt là đầu tư cho trồng, chăm sóc rừng trồng nguyên liệu còn thiếu và cơ chế cho vay còn bất cập. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái xác định, phát triển lâm nghiệp nhằm gia tăng giá trị kinh tế ngành và tăng năng lực, hiệu quả bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, trên cơ sở phát huy lợi thế về sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Yên Bái tiếp tục chú trọng nâng cao giá trị của rừng, đặc biệt là mức hỗ trợ cho các hộ dân chăm sóc, bảo vệ rừng.
Để việc thực hiện tái cơ cấu lâm nghiệp tiếp tục cho nhiều quả ngọt và làm đòn bẩy tạo sức hút cho các địa phương triển khai thực hiện, theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cao Chí Công, trước tiên các địa phương cần triển khai đồng bộ 4 kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, đồng thời nhanh chóng triển khai việc rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng theo hướng chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất nhằm tạo vùng nguyên liệu cung cấp gỗ lớn.
Cùng với đó các địa phương cần tiến hành sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp nhà nước; thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân, hộ gia đình liên kết, góp đất cùng doanh nghiệp tổ chức sản xuất lâm nghiệp quy mô lớn theo mô hình "cánh đồng lớn". Bên cạnh đó là phát huy vai trò của trang trại, gia trại lâm nghiệp; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn; đẩy mạnh việc thực hiện chuyển giao công nghệ, đưa giống tiến bộ vào sản xuất.
“Song song với các biện pháp trên cần xây dựng kế hoạch tiếp cận thị trường cho xuất khẩu sản phẩm gỗ, trước mắt tập trung vào thị trường Nga và Hàn Quốc... Nếu thực hiện được đồng bộ các giải pháp trên sẽ là đòn bẩy hấp dẫn tạo sức hút để các địa phương tham gia đề án tái cơ cấu lâm nghiệp”, Ông Công khẳng định.
Tại Yên Bái hiện nay, 1ha một năm người dân được trả 300.000 đồng tiền bảo vệ, mỗi hộ bình quân quản lí khoảng 10 ha thì một năm chỉ được có 3 triệu đồng, giá trị chỉ bằng một con lợn cắp nách. Do đó, ngành nông nghiệp Yên Bái phải xây dựng ngay 2 đề án phát triển cây sơn trà để nâng thu nhập của người dân lên 5 - 7 triệu đồng/ha mới mong bảo đảm thu nhập cho người dân sống dựa vào rừng. |