Dấu hiệu hạ nhiệt giữa Ảrập Xêút và vùng Vịnh
Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani vừa nhận được lời mời của Quốc vương Ảrập Xêút tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tổ chức tại Thủ đô Ryadh ngày 9.12. Đây là dấu hiệu cho thấy thiện chí muốn giảm căng thẳng giữa hai nước trong bối cảnh Ảrập Xêút đang phải chịu đựng sự lên án của quốc tế liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi cũng như cuộc chiến Yemen.
Hiện chưa rõ Quốc vương Tamim Bin Hamad Al Thani đã chấp nhận lời mời trên hay chưa và sẽ cử đại biểu cấp nào tham dự. Tuy nhiên phía Qatar cho biết, lời ngỏ ý của Riyadh hoàn toàn hợp lẽ vì bản thân Doha đang là thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Lời mời được đưa ra vào thời điểm Ảrập Xêút đang phải đối mặt với áp lực chấm dứt 18 tháng phong tỏa, cấm vận Qatar. Từ tháng 6 năm ngoái, Ảrập Xêút, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Bahrain và Ai Cập đã áp đặt các lệnh trừng phạt về ngoại giao, thương mại và giao thông đối với Qatar với cáo buộc nước này hỗ trợ các nhóm cực đoan như Phong trào anh em Hồi giáo, cho dù Doha luôn lên tiếng bác bỏ, cũng như tỏ ra quá thân thiết với Iran.
![]() Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani đã nhận được lời mời của Ảrập Xêút tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GCC |
Thực tế, căng thẳng trên đã và đang khiến Mỹ, vốn là đồng minh của cả hai, rơi vào tình thế rất khó xử. Chính quyền của Tổng thống Trump luôn mong muốn các quốc gia trong khu vực đoàn kết để đối phó với Iran khi mà Washington đang gia tăng áp lực với nước cộng hòa Hồi giáo này.
Ngoài ra, lời mời còn rất ý nghĩa bởi xuất hiện vào thời điểm Qatar vừa gây sốc cho cả thế giới bằng tuyên bố kế hoạch rút khỏi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ đầu năm tới sau 57 năm làm thành viên. Điều này rất đáng chú ý vì đây là quốc gia xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới.
Theo giới phân tích, có hai lý do quan trọng đứng đằng sau quyết định của Qatar. Trước hết, đó là vì những căng thẳng giữa Doha với một số quốc gia láng giềng, đặc biệt là với Ảrập Xêút và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Thứ hai là bản thân OPEC đang dần thay đổi theo hướng ít chú trọng đến các nhà sản xuất dầu quy mô nhỏ như Qatar. Nguyên nhân là bởi cuộc cách mạng dầu đá phiến đã biến Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu số 1 toàn cầu và làm loãng sức mạnh thị trường của OPEC