Đâu chỉ có nụ cười!
Đất nước đi lên, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng phát triển. Đạo quân doanh nhân hùng hậu này đang khẳng định vai trò, vị thế của mình trong nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới!
Doanh nhân đang là giấc mơ nhiều người ước, nhưng đứng được vào đội ngũ này, cũng đâu phải ai cứ mơ, cứ ước là có được? Doanh nhân là nụ cười và nước mắt. Là vật lộn ngang ngửa nơi thương trường. Là bản lĩnh kiên trung. Là phải biết mỉm cười khi thất bại, nhưng có khi lại rơi nước mắt khi gặt hái thành công! Doanh nhân phải có tố chất riêng. Nghĩa là phải thông minh, nhạy bén, năng động để kiếm tìm lợi nhuận. Phải biết tìm ra sự khác biệt trong cách nghĩ để làm ra những sản phẩm được người dùng chấp nhận. Nhưng hơn cả cái tài, không phải ai ước mà cũng có, phải là cái tâm của nghiệp của nghề. Ai đó tài mỏng, tâm non thì đừng có mơ hai tiếng doanh nhân, vì thiếu những tố chất ấy có càng cố lao vào kinh doanh như thiêu thân, dẫu có đổ cả “núi bạc” vào sản xuất thì cũng khó mà bền vững (!) Sinh ở một đất nước mà lịch sử dân tộc với bao kỳ tích như huyền thoại nên chuyện về các doanh nhân Việt Nam cũng cứ như huyền thoại mới là điều thật diệu kỳ.
Lịch sử doanh nhân Việt Nam chả thể quên được nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô khi cách mạng khó khăn đã hiến tới 5.147 cây vàng cho kháng chiến không một chút đắn đo. Lại càng chả quên được những doanh nhân bươn trải vật lộn với thương trường không chịu để cho những sợi dây đói nghèo ghì chặt. Những năm bom đạn ác liệt vẫn ngời danh tiếng chuyện ông “vua lốp” ở Thụy Khuê. Ngày ấy vẫn sáng lên một “vua Đê” ở Nam Định làm thuyền xi măng lưới thép mà dám ra biển khơi,vẫn ngời lên một ông “chúa Quyết” ở Phủ Lý - Hà Nam dám mở xưởng cơ khí làm xe đạp mang cái tên “Quyết Tiến” mà nổi tiếng sáng danh. Ngày ấy khó khăn, chiếc xe đạp là ước mơ của mỗi gia đình. Cả nước chỉ mỗi Nhà máy Xe đạp Thống Nhất làm ra để phân phối cho cán bộ nhà nước sao lo cho xuể? Điều rất lạ là cả “vua Đê”, cả “chúa Quyết” chả được học hành gì, các ông chỉ biết ký mỗi một chữ “Đê”, chữ “Quyết”! Đó là tên các ông trong công văn giấy tờ pháp lý, có tư cách pháp nhân đi giao dịch khắp các vùng mua nguyên liệu, thiết bị về cho xưởng đóng tàu, cho “nhà máy” làm ra khung xe đạp của mình.
Mới thấy người Việt tài năng, doanh nhân Việt tài hoa. Họ là những người vào cuộc lăn xả, đầy bản lĩnh dám làm và nhạy bén biết đón bắt yêu cầu của cuộc sống rất mau lẹ. Những năm hòa bình đổi mới thì đội ngũ doanh nhân Việt Nam càng đông đảo và hùng hậu hơn, trí tuệ hơn. Đó là lớp doanh nhân có học hành bài bản tiếp cận cái mới của thời đại, bắt nhanh cái tiên tiến của các nước trên thế giới. Quá khâm phục doanh nhân Nguyễn Trần Bạt đang sở hữu nhiều triệu đô la kinh doanh rất đa năng, uyên bác, hiểu thấu mọi ngõ ngách của thương trường! Ai nghĩ ông từng là cậu bé bán trà chén rong ở ga Hàng Cỏ, là cậu trò phải bỏ học giữa chừng…
Rất nhiều gương mặt doanh nhân Việt mà thế giới cũng phải “ngả mũ” nể phục! Bà Mai Kiều Liên với cái thương hiệu sữa Vinamilk đi cùng với 40 năm ròng rã, nữ doanh nhân này đam mê với nghiệp với nghề để giờ DN Vinamilk sáng danh một tên tuổi lớn. Một nữ Tổng giám đốc 20 năm tài hoa giờ là cả cơ nghiệp với doanh thu 39.077 tỷ đồng, có lợi nhuận sau thuế tới con số 6.830 tỷ đồng. Nể phục hơn là DN Vinamilk đang quản những nhà máy sữa bột, sữa nước với thiết bị hiện đại vốn đầu tư 4.400 tỷ đồng. Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên được tặng nhiều danh hiệu của quốc tế, bà trở thành nữ doanh nhân “quyền lực” châu Á! Một phụ nữ từ chối cả cái ghế Thứ trưởng một bộ quyền uy, chỉ để gắn với nghề mà bà yêu thích đam mê! Chả thể kể hết gương mặt các doanh nhân Việt Nam đang làm ngời sáng kinh tế đất nước! Cái tố chất chung hết thảy của các doanh nhân Việt Nam là một sự dấn thân quyết liệt, là bản lĩnh quyết đoán và sự đam mê? Nhưng con đường để thành một doanh nhân đúng nghĩa cũng không chỉ có thảm đỏ dưới chân và hoa hồng cầm trên tay, mà chả thiếu chông gai sắc nhọn, những gập ghềnh “ba nổi bảy chìm”! Doanh nhân không chỉ có nụ cười mà cả nước mắt đắng cay và bao nỗi niềm khó nói. Ngày doanh nhân Việt Nam không thể không nhắc đến hình ảnh nông trường Sông Hậu với cái dáng thân gái dặm trường nhỏ nhoi của một bà Ba Sương dám lặn lội sang cả châu Phi tìm lối ra cho hạt gạo. Một Ba Sương không nhà cửa, một Ba Sương không chồng con, một giám đốc chỉ lo cho cái chung, lo cho người nghèo vật lộn nơi đất phèn chua sông Hậu xây dựng một vùng quê đẹp như tranh với đường sá, trường, trạm tuyệt vời. Một nữ doanh nhân lao vào việc đam mê đến chả ai có thể theo được bà. Ra Hà Nội cũng chỉ nhà nghỉ bình dân với ổ bánh mì hay bát bún riêu cua? Chất phụ nữ Nam Bộ, chất người miền Tây sông nước Cửu Long như lắng đọng trong cái giản dị đến khó tin của con người Ba Sương! Chưa ngơi cái dư âm về cái khắc nghiệt, về nước mắt doanh nhân nhiều hơn nụ cười về bà Ba Sương, lại chuyện đang ồn ã về nữ doanh nhân trà Ô Long Hà Linh tài hoa mà bạc mệnh. Mới hay nước mắt nụ cười doanh nhân, dễ gì thấu hết?
Doanh nhân Việt với bao cuộc tôn vinh “doanh nhân tâm tài”, “doanh nhân tiên tiến” với thương hiệu ngút ngàn top nọ top kia. Sự vinh danh thế nào cũng chả nói hết được công sức, đóng góp của đội ngũ doanh nhân với đất nước này?
Đã mang lấy nghiệp vào thân. Làm ăn nghiêm túc, trách nhiệm, có ân, có nghĩa với cộng đồng, họ xứng đáng được trân trọng, dù lẽ đời chìm nổi. Còn làm ăn gian dối, chà đạp lợi ích cộng đồng để trục lợi, sẽ khó mà tồn tại trong sự giám sát nghiêm khắc của cộng đồng, nhất là khi cơ chế hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế đang hối thúc mỗi ngày.