Đến năm 2012, Phúc Long ra mắt Phúc Long Coffee & Tea tại trung tâm thương mại Crescent Mall tại Quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Bước đi này giúp Phúc Long chính thức dấn thân vào ngành đồ ăn thức uống F&B và đặc biệt là tiếp cận cũng như mở rộng lượng khách hàng ở thị trường trong nước. Sau TP. Hồ Chí Minh năm 2019 cửa hàng trà Phúc Long đầu tiên có mặt tại Hà Nội. Ngoài các cửa hàng lớn được mở trong các trung tâm thương mại lớn, Phúc Long Coffee & Tea còn có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các ứng dụng đặt đồ ăn như GrabFood, Shopee Food…
Với việc liên tiếp mở các cửa hàng tại 2 thành phố lớn nhất cả nước, Phúc Long đã xác định thị trường trong nước đóng vai trò quan trọng và khách hàng Việt là tệp khách chính của mình. Phúc Long sở hữu đồi chè và nhà máy sản xuất tại Thái Nguyên và Bảo Lộc (Lâm Đồng), Bình Dương. Nhờ vậy các sản phẩm trà và cà phê của Phúc Long đều đạt chất lượng tuyệt hảo, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi đi siêu thị, rất dễ bắt gặp sản phẩm trà và cà phê của Phúc Long trên kệ.
“Cú nổ” đầu tiên có lẽ là trà đào, sản phẩm Trà đào vừa đậm vị trà, vừa chua ngọt, mát lạnh đã trở thành một hiện tượng trong giới “sành” ăn uống. Ở thời điểm ra mắt “người người” trà đào, “nhà nhà” trà đào. Chính Phúc Long là thương hiệu đưa Trà đào trở thành một “hiện tượng” trong ngành F&B với hương vị đặc trưng, khác biệt.
Rất nhiều người thời điểm đó phải “mê mẩn” ly Trà đào Phúc Long thơm lừng vị trà, ngọt ngào vị siro đào, thậm chí là “nghiện ngập” đến mức một tuần uống đôi ba lần. Tuy nhiên, theo chiến lược kinh doanh của Phúc Long, việc sở hữu một loại đồ uống “signature” có lẽ là không đủ để giữ chân khách hàng. Vì vậy, thương hiệu tập trung phát triển và cho ra mắt rất nhiều loại đồ uống, nhưng tất cả vẫn đi theo một “gu” nhất quán và ổn định, đó là “gu đậm vị trà”.
Tại Phúc Long Coffee & Tea, khách hàng cũng dễ dàng tìm thấy những món trà sữa đang làm mưa làm gió. Trà sữa Phúc Long béo vị sữa nhưng đậm vị trà. Đặc biệt hương trà Phúc Long thơm man mát vị sương sớm, trà đậm vị nhưng không hề chát hay có cặn. Khác biệt với các thương hiệu trà sữa trên thị trường, Phúc Long không dùng các loại trân châu hay mứt công nghiệp, thạch xanh đỏ hay cho quá nhiều đường.
Tháng 1.2022, Masan - chủ của chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi Vinmart, Vinmart+ (nay đổi tên thành Winmart, Winmart+) đã chi 110 triệu USD, tương đương 2500 tỷ đồng để mua cổ phần Phúc Long. Sở hữu 51% cổ phần Phúc Long, Masan trở thành công ty mẹ của cafe Phúc Long.
Sau khi bắt tay với Masan, định giá của thương hiệu Phúc Long đã lên tới hơn 8,000 tỷ đồng, sánh ngang với các thương hiệu như Highlands Coffee hay Starbucks. Đây được xem là thành công lớn đối với một thương hiệu trà Việt và là là lời khẳng định về chất lượng sản phẩm của Phúc Long trên thị trường, lan tỏa tinh thần “Tự hào hàng Việt”.
Hiện tại, nhượng quyền Phúc Long được nhiều người quan tâm nhưng thương hiệu này lựa chọn hướng đi không nhượng quyền, mà tập trung vào sản xuất và nâng cao giá trị thương hiệu cũng như trải nghiệm của khách hàng. Phúc Long vẫn là một trong những thương hiệu trà và cafe của Việt Nam dẫn đầu về thị phần và doanh thu trong ngành F&B, được nhiều khách hàng yêu thích.