Dấu ấn linh hoạt và trách nhiệm

- Thứ Sáu, 01/01/2021, 08:30 - Chia sẻ
Đi qua một năm hoạt động đầy thách thức và không ít những biến động khó lường, HĐND các cấp đã thực sự ghi dấu ấn trong lòng cử tri và nhân dân từ sự linh hoạt để kịp thời thích ứng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trên hết là tinh thần trách nhiệm với những vấn đề thực tiễn, cử tri và nhân dân đặt ra.

Kịp thời thích ứng với điều kiện thực tiễn

Nhìn lại một năm hoạt động đầy thách thức và không ít biến động khó lường, với vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, HĐND các cấp đã có những điều chỉnh kịp thời trong các hình thức hoạt động để linh hoạt thích ứng với điều kiện thực tế. Trong điều kiện dịch bệnh, hạn chế hội họp tập trung đông người để thực hiện dãn cách xã hội nhưng HĐND vẫn duy trì hoạt động với các hình thức phù hợp. Điển hình là việc tổ chức các kỳ họp - hoạt động chủ yếu của HĐND theo phương thức trực tuyến để kịp thời xem xét, quyết định những nội dung cấp thiết, tạo cơ sở pháp lý giúp UBND và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện để phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân trước những tác động to lớn của đại dịch Covid-19.

	Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVII Ảnh: Thành Lê
Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVII
Ảnh: Thành Lê

Ngay từ những tháng đầu năm 2020, nhiều địa phương đã khẩn trương chuẩn bị nội dung, chương trình, kịp thời tổ chức kỳ họp phù hợp với thực tế để có những quyết sách kịp thời. Trong điều kiện vừa tập trung phòng chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Thường trực HĐND các địa phương đã chỉ đạo các Ban, Văn phòng HĐND tỉnh nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cho công tác tổ chức kỳ họp trực tuyến chu đáo và kỹ lưỡng. Với sự chủ động đó, nhiều địa phương từ lần đầu tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến đã linh hoạt tổ chức nhiều kỳ họp không thường kỳ theo hình thức này, với 1 điểm cầu chính tại Trung tâm hội nghị tỉnh kết nối với các điểm cầu thành phần. Từ sự chuẩn bị chu đáo và tinh thần trách nhiệm của đại biểu, kỳ họp hoàn thành các nội dung đề ra và bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch.

Hình thức tổ chức kỳ họp trực truyến cho thấy, Thường trực HĐND các địa phương đã luôn chủ động, nhanh chóng thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu thực tiễn, vì lợi ích của cử tri và nhân dân. Đây là nét mới, thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động của HĐND, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp theo đúng quy định.

Trong điều kiện dịch bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời có thêm nhiều chủ trương, giải pháp phòng chống và khắc phục dịch bệnh; đồng thời, duy trì phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Việc thực hiện những chủ trương, giải pháp này không những liên quan đến Ngân sách Nhà nước mà còn liên quan đến rất nhiều người dân và các cơ quan, tổ chức, nhất là ở chính quyền cơ sở. Thường trực HĐND nhiều địa phương đã nghiên cứu và có những chủ trương, biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan của HĐND tăng cường hoạt động, sâu sát cơ sở. Trước hết, các Ban của HĐND vào cuộc quyết liệt để tổ chức giám sát, khảo sát nắm chắc tình hình trợ cấp, đánh giá đúng thực trạng để các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh những tồn tại.

Cùng với những tác động bất lợi to lớn mang tính toàn cầu của đại dịch Covid-19, diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là đợt bão lũ lịch sử miền Trung đã để lại những thiệt ngại nghiêm trọng về người và của. Ngay sau bão lũ, Thường trực, các Ban HĐND nhiều địa phương ở miền Trung đã có những cuộc khảo sát, giám sát chuyên đề để giúp cơ sở khắc phục khó khăn thiệt hại và tiếp nhận hàng hóa cứu trợ đến kịp thời, đúng địa chỉ. Quan trọng hơn, HĐND cũng đánh giá được hậu quả lũ lụt nghiêm trọng, lâu ngày có phần trách nhiệm do con người tác động vô ý thức vào môi trường tự nhiên; đánh giá khá rõ những nguyên nhân gây ra lũ quét, sạt lở những cung đường và ngập lụt sâu vùng dân cư hạ lưu các dòng sông. Đây là cơ sở quan trọng để Thường trực HĐND nghiên cứu chọn lọc, tổng hợp báo cáo với HĐND tại kỳ họp cuối năm. Trên sơ sở đó đề xuất, quyết định những giải pháp tích cực, căn cơ nhằm phòng tránh hiệu quả thiên tai trong các quyết sách của HĐND.

Trách nhiệm đến cùng

Khép lại một năm đầy biến động và thách thức là những thảo luận tâm huyết, những chất vấn thẳng thắn, không kém phần nảy lửa tại kỳ họp cuối năm HĐND vừa kết thúc. Ngay từ công tác chuẩn bị, nhất là cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn, với quan điểm theo đến cùng và bảo đảm giải quyết hiệu quả các vấn đề đã được HĐND đã đặt ra, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cuối năm được Thường trực HĐND nhiều địa phương chủ trương thay đổi cách thức và nội dung. Thay vì chất vấn theo từng chuyên đề cụ thể, hoạt động chất vấn mang tính “mở” liên quan đến việc thực hiện các Kết luận chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh tại các kỳ họp trước và các kiến nghị sau giám sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh. Do nội dung chất vấn nhiều nên quá trình điều hành, Thường trực HĐND đổi mới theo phương thức “hỏi 1 phút, trả lời 3 phút” và chỉ chất vấn làm rõ trách nhiệm, sự cam kết, giải pháp của UBND và các sở, ngành trong giải quyết các nội dung cụ thể.

Trước đó, để rà soát, tiếp tục đôn đốc, theo đến cùng việc thực hiện những kiến nghị của cử tri, kiến nghị, kết luận sau giám sát, Thường trực HĐND nhiều địa phương cũng đã giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri, kết luận, nghị quyết sau giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Kết quả những cuộc giám sát này là nguồn thông tin quan trọng để đại biểu tiếp tục đưa ra thảo luận, chất vấn tại nghị trường nhằm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đôn đốc việc thực hiện, nhất là những vấn đề tồn đọng đã lâu, gây bức xúc trong nhân dân.

Ngày 18.9.2020, việc Ủy Ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 Về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh đã chấm dứt những tháng ngày thấp thỏm, lo âu của các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cơ quan giúp việc HĐND cấp tỉnh sau hơn 1 năm Thí điểm sáp nhập 3 Văn phòng (Đoàn ĐBQH - HĐND và UBND) ở 12 tỉnh, thành. Hơn ai hết, những cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu, giúp việc cho các hoạt động của HĐND cấp tỉnh - những “mạch nối” nhiệm kỳ thực sự mong muốn có một “mái nhà” thực sự ổn định; cùng với đó là chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thực sự chuyên tâm với những nhiệm vụ thầm lặng, góp phần để HĐND hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Từ những chuẩn bị đó và trên cơ sở tinh thần trách nhiệm của đại biểu, không xuôi chiều theo tâm lý nhiệm kỳ, nghị trường kỳ họp thường kỳ cuối nhiệm kỳ của HĐND nhiều địa phương thực sự sôi nổi. Các đại biểu đã nhìn nhận đúng thực trạng tình hình, tập trung bàn thảo những giải pháp hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cho năm 2021 và cả nhiệm kỳ tới trong bối cảnh còn không ít khó khăn, thách thức do dịch bệnh dự báo còn tiếp tục kéo dài, biến đổi ngày càng khôn lường của khí hậu… để bảo đảm tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép và tạo đà phát triển cho cả giai đoạn tiếp theo. Nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để bảo đảm sự phát triển bền vững.

Đơn cử như tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Gia Lai Khóa XI, một trong những vấn đề nổi cộm được các đại biểu tập trung thảo luận là việc trồng rừng. Trước thực trạng tuy diện tích rừng trồng theo báo cáo của UBND tỉnh có tăng nhưng qua các đợt giám sát cây rừng không phát triển, tỷ lệ cây sống đạt thấp, đặc biệt, nhiều nơi người dân chưa thực sự “mặn mà” với việc trồng rừng… Các đại biểu đề nghị cần tính toán, có hướng dẫn cụ thể hoặc có chính sách hỗ trợ hợp lý cho những hộ dân đã tham gia trồng rừng. UBND tỉnh điều chỉnh hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cũng như người dân thực hiện. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trồng dặm, chăm sóc và quản lý, bảo vệ diện tích rừng đã trồng để bảo đảm rừng trồng sinh trưởng tốt, hiệu quả kinh tế cao…

Nhiều vấn đề dân sinh bức thiết, “nóng”, không ít vấn đề trong đó đã được đặt ra tại những kỳ họp trước tiếp tục được đặt ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn để tiếp tục yêu cầu làm rõ. Đó là việc bảo đảm môi trường; công tác quy hoạch và bảo vệ rừng; việc tích nước và xả lũ của nhà máy thủy điện nhỏ; việc giữ chân đội ngũ bác sĩ có năng lực… Bên cạnh những nội dung được trả lời cụ thể, thể hiện rõ trách nhiệm ngành chức năng, vẫn còn những tư lệnh ngành né tránh, chưa đi đến cùng vấn đề mặc dù đại biểu đã tích cực tranh luận, truy vấn. Chủ tọa yêu cầu UBND và ngành hữu quan tăng cường trách nhiệm, không hứa suông, xem việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh, của cử tri là trách nhiệm phải thực hiện; không vô cảm trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.                  

PHƯƠNG NHUNG