Dấu ấn hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19

- Thứ Hai, 19/07/2021, 11:59 - Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 được nhìn nhận là thách thức an ninh phi truyền thống, là vấn đề mang tính toàn cầu nên cần cách thức ứng phó mang tính chất toàn cầu. Với cách tiếp cận như vậy, ngay từ khi dịch xuất hiện đầu năm 2020, công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế đã Đảng, Nhà nước thúc đẩy; phát huy tinh thần hợp tác quốc tế, tìm cơ hội để duy trì và tăng cường các hoạt động trong bối cảnh hầu hết các hoạt động đều bị hạn chế…

Tích cực, trách nhiệm ngoại giao nghị viện

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn, với tư cách là Chủ tịch AIPA 2020, ngay sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát và liên tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia thành viên, ngày 30.3.2020, Chủ tịch QH Khoá XIV Nguyễn Thị Kim Ngân đã có thư gửi Chủ tịch Nghị viện thành viên AIPA. Qua thư, Chủ tịch QH Việt Nam muốn gửi lời chia sẻ với những mất mát, tổn thất mà đại dịch gây ra với nhân dân các quốc gia thành viên; đồng thời kêu gọi Nghị viện các quốc gia thành viên đồng hành, chung tay cùng Chính phủ đối phó đại dịch bằng việc phát huy mạnh mẽ, hiệu quả vai trò của mình, thông qua các biện pháp và chính sách do Chính phủ đề xuất, tạo điều kiện phân bổ nguồn lực kịp thời để tăng cường kết nối, hỗ trợ người dân.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những hành động kịp thời và hiệu quả của Chính phủ các nước ASEAN, những cống hiến không biết mệt mỏi, sự hy sinh quên mình của tất cả các lực lượng trong xã hội, đặc biệt là đội ngũ các y, bác sỹ đã và đang góp phần nỗ lực ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch ở khu vực ASEAN. Mặc khác, các nghị sỹ, ĐBQH, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng đề nghị tiếp tục lan tỏa thông điệp đoàn kết, yêu thương, động viên; đặc biệt là lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matvienko ngày 8.6.2021
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matvienko ngày 8.6.2021

Tại diễn đàn Đại hội đồng IPU tháng 5.2021, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Quốc hội Việt Nam đề xuất hội đồng tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa IPU với nghị viện khu vực cũng như các tổ chức quốc tế nhằm đối phó với khủng hoảng, hoặc tình huống khẩn cấp như đại dịch Covid-19. Đề nghị các Ủy ban thường trực của IPU có ý kiến về việc các quốc gia có ưu thế phát triển vaccine hỗ trợ các quốc gia yếu thế bị tổn thương, ảnh hưởng nặng nề với đại dịch có cơ hội được tiếp cận vaccine trong thời gian sớm nhất, cũng như hệ thống y tế hiện đại. Nghị viện thành viên các nước kêu gọi hoàn thiện chính sách, thể chế, phân bổ nguồn lực kịp thời, tăng cường giám sát cơ chế giải trình của chính phủ khi triển khai, cơ chế xử lý khủng hoảng… để cấp bách phòng, chống dịch.

TS. Lê Anh Tuấn thông tin thêm, tại diễn đàn, Quốc hội Việt Nam cùng nghị viện các quốc gia tham gia tích cực nhằm đề nghị Tổ chức Y tế thế giới WHO cùng các nước thúc đẩy quan hệ đối tác, thúc đẩy sản xuất, đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Về phía Quốc hội Việt Nam, tinh thần nổi bật là luôn đồng hành cùng Chính phủ, kịp thời phân bổ ngân sách nhằm phòng, chống đại dịch; ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng. Đó là các gói 62 nghìn tỷ đồng trong năm 2021, và gói 26 nghìn tỷ đồng hỗ trợ tổng thể mới đây, được thông qua theo hướng nhanh, kịp thời, đúng pháp luật và thực chất. Các chính sách trên được kỳ vọng sẽ tác động mạnh mẽ, trước mắt đem lại sự yên tâm cho người dân, góp phần giải quyết những khó khăn trong tình hình dịch bệnh, tăng sự tin tưởng của người dân vào Đảng, Nhà nước, tiếp tục tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đồng thời, song song với công tác chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 tại các diễn đàn song phương và đa phương, Quốc hội Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết nghị viện các nước bằng những hành động thiết thực như tặng khẩu trang, vật tư y tế, hỗ trợ vật chất…

Toàn hệ thống chính trị hướng đến chiến lược vaccine

Theo TS. Lê Anh Tuấn, ngay từ khi dịch Covid-19 mới bùng phát, công tác ngoại giao luôn nhấn mạnh đến vai trò của hợp tác quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu, mà cụ thể ở đây là việc ngăn chặn đại dịch bằng vaccine.

“Trên nhiều diễn đàn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tranh thủ đề nghị các quốc gia, trên tinh thần tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung cũng như xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cho Việt Nam,” TS Tuấn đặt vấn đề. “Chiến lược vaccine đã được xác định là con đường rõ ràng nhất để thoát khỏi đại dịch, với mục tiêu tiêm chủng đại trà toàn dân.”

Các tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam vaccine tiêm phòng
Các tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam vaccine tiêm phòng

Việt Nam đã kiên cường vượt qua 3 làn sóng dịch bệnh trong năm 2020, đầu năm 2021 và hiện nay đang tích cực phòng, chống đợt thứ 4. Đồng hành với các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, ngành ngoại giao cũng đi đầu trong việc phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế, chia sẻ thông tin, nguồn lực, tạo ra sức mạnh cộng hưởng để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

“Trong các cuộc hội đàm, điện đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều đề nghị nghị viện nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có ưu thế về nghiên cứu, sản xuất… quan tâm việc thúc đẩy hợp tác sản xuất, phân phối, tiếp cận các nguồn vaccine để tiêm chủng đại trà toàn dân, sớm đưa nhịp sống, sản xuất kinh doanh trở lại bình thường,” TS Lê Anh Tuấn cho biết. “Những thông tin như các quốc gia viện trợ vaccine, Tổ chức Y tế thế giới đồng ý cử chuyên gia giúp cho Việt Nam sản xuất vaccine… không chỉ là thông tin tốt lành đối với toàn thể người dân Việt Nam nói chung mà cũng là sự khích lệ đối với những người làm công tác đối ngoại khi được góp một phần đưa đến những tin vui như thế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn đang hoành hành.”

Cho đến nay, công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, được thế giới công nhận, trong đó hợp tác đối tác giữ vai trò quan trọng. Từ kết quả đó, Việt Nam cần tiếp tục hợp tác trong việc tìm kiếm các giải pháp thiết lập trạng thái bình thường mới, duy trì các biện pháp phòng dịch hiện có và quan trọng là triển khai các hợp tác về phát triển và tiếp cận vaccine và các phương pháp điều trị mới.

Hướng về tương lai, Covid-19 là phép thử đối với hệ thống y tế của một quốc gia, là tiền đề để ngành y tế rà soát, nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, đặc biệt trong việc ứng phó với các mối đe dọa về y tế công cộng và các vấn đề sức khỏe toàn cầu. Những vấn đề này đặt ra yêu cầu chuẩn bị một hệ thống y tế toàn diện, có năng lực, sẵn sàng, chủ động, tự lực và bền vững để ứng phó với rủi ro và phục hồi phát triển…

Nam Anh