Dấu ấn đối ngoại của Quốc hội
Cách đây đúng 70 năm, Quốc hội (QH) khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào, với thế giới: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay QH Việt Nam”. Và từ đó, cùng với sự lãnh đạo của Đảng, QH đã huy động sức mạnh của cả dân tộc trên khắp các mặt trận, trong đó có mặt trận ngoại giao nghị viện, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và xây dựng Chính quyền, thúc đẩy công cuộc Đổi mới toàn diện và tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.
Trở lại thuở ban đầu
Nghị quyết của Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (16 - 17.8.1945) sớm thể hiện tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh khi nêu rõ: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên có độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xẩy ra, chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nền hoàn toàn độc lập”.
Sau Cách mạng Tháng Tám (19.8.1945) và thành lập nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á (2.9.1945), nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gặp muôn vàn khó khăn, “thù trong, giặc ngoài” và tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngoại giao thủa ban đầu tác động trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước non trẻ. Nên, ngay khi Chính phủ lâm thời thành lập (28.8.1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh phải kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Trong bài “Nhân tài và kiến quốc” trên báo Cứu quốc (ngày 14.11.1945), Hồ Chủ tịch đề ra 4 nhiệm vụ: Kiến thiết ngoại giao, kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự và kiến thiết giáo dục.
Sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên cách đây đúng 70 năm (6.1.1946), ngay tại Kỳ họp thứ Nhất QH Khóa I (2.3.1946), QH ra “Tuyên ngôn” khẳng định: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam, chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu cầu hạnh phúc của mọi tầng lớp nhân dân”.
QH kháng chiến và xây dựng
Trong 30 năm đầu tiên (1946 - 1975), QH từ Khóa I đến Khóa IV đã góp phần quan trọng củng cố chính quyền, thông qua Hiến pháp đầu tiên (9.11.1946, rồi sửa đổi năm 1959), tham gia chống Pháp, Mỹ, xây dựng miền Bắc và thống nhất đất nước. Trong bài “Quốc hội ta vĩ đại thật” trên báo Nhân dân ngày 10.7.1960, Hồ Chủ tịch viết: “Quốc hội Khóa I của ta là Quốc hội kháng chiến. Quốc hội Khóa II này là Quốc hội xây dựng CNXH và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”. Công tác đối ngoại QH giai đoạn này nhằm phục vụ những nhiệm vụ chiến lược này.
Chuyến đi ngoại giao nghị viện quan trọng đầu tiên do Phó trưởng Ban thường trực QH Phạm Văn Đồng dẫn đầu thăm Pháp (25.4 - 16.5.1946) nhằm “tỏ lòng thân thiện với Quốc hội Pháp và nhân dân Pháp” và “đã mạnh bạo nêu lên tất cả những vấn đề phân tranh giữa Việt và Pháp, nhất là vấn đề Nam Bộ”, phối hợp với đoàn của Chính phủ đàm phán và tiến tới ký Tạm ước với Pháp ngày 14.9.1946. Tại Kỳ họp thứ 2 năm 1946, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng báo cáo QH về chuyến thăm và Tạm ước 14.9.1946, sau đó QH ra Nghị quyết về Chính sách đối ngoại với Pháp.
Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết (20.7.1954), QH chuyển sang đấu tranh thi hành Hiệp định, tiến hành hai nhiệm vụ cách mạng. Hồ Chủ tịch sớm đề nghị đưa việc gia nhập Tổ chức liên minh nghị viện thế giới (IPU) ra QH để bàn và đã thống nhất cần gia nhập IPU. Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, nội bộ IPU phức tạp và Việt Nam bị chia cắt, nên QH ta chưa gia nhập IPU.
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27.1.1973) là thắng lợi chính trị đối ngoại to lớn, buộc Mỹ rút quân, tạo điều kiện để ta giải phóng miền Nam. Sau khi nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo, ngày 21.3.1973, Kỳ họp thứ 3, QH Khóa IV ra Nghị quyết về ký Hiệp định Paris.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, nhiều nước thiết lập quan hệ ngoại giao và tăng cường quan hệ, trong đó có quan hệ nghị viện với ta. Để phục vụ công tác đối ngoại ngày càng mở rộng, ngày 9.2.1974, QH thành lập Ủy ban Đối ngoại.
Tái thiết và đổi mới
Trong hơn 10 năm đầu sau chiến tranh (1975 -1986), QH từ Khóa V đến Khóa VII đã sớm tổ chức bầu cử QH (25.4.1976), thống nhất đất nước về mặt nhà nước, sửa đổi Hiến pháp (1980), tranh thủ môi trường quốc tế để tái thiết sau chiến tranh, đồng thời bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ phía Tây Nam và phía Bắc, chống câu kết bao vây cấm vận. QH mở rộng quan hệ với QH các nước, đặc biệt là gia nhập IPU vào tháng 4.1979 sau khi Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 1977.
Trong 30 năm đổi mới (1986-2016), QH từ Khóa VIII đến Khóa XIII đã thể chế hóa đường lối đổi mới, sửa đổi Hiến pháp (1992) khẳng định “chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội khác nhau”.
QH tăng cử đoàn ra, mở rộng quan hệ với nghị viện các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, EP, Mỹ…, tham gia APF (1991), APPF (1993), AIPO/AIPA (1995), ASEP (1996)…, phê chuẩn Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ BTA (2001), Thỏa thuận gia nhập WTO (2006), sửa hàng chục luật để phù hợp các điều ước quốc tế mà ta tham gia, thông qua Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (2005), Luật Cơ quan đại diện (2009) …
Nhiệm kỳ với những hoạt động đối ngoại lớn
Thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 (2011) và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế (10.4.2013), QH Khóa XIII (2011 - 2016) thông qua Hiến pháp 2013 khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trong hơn 100 luật mà QH Khóa XIII thông qua - mức kỷ lục của các khóa, nhiều luật được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. QH đã thông qua nhiều luật liên quan đối ngoại như: Luật Biển Việt Nam (2012), Luật Phòng và chống khủng bố (2013), Luật Quốc tịch, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam (2014), phê chuẩn việc ký kết gia nhập Công ước LHQ về chống tra tấn, Công ước về Quyền của người khuyết tật (2014), Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO (2015)…, từ năm 2016 dự kiến sửa Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, xem xét các Hiệp định FTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)...
Các cơ quan của QH tiến hành giám sát việc thực hiện các Thỏa thuận về biên giới, gia nhập WTO (2007), sử dụng vốn ODA, Luật Cơ quan đại diện...
Khi xảy ra vụ giàn khoan HD-981 (5.2014), QH đã kịp thời ra Thông cáo khẳng định chủ quyền quốc gia, nguyên tắc và phương châm giải quyết, góp phần cùng nhiều biện pháp khác thúc đẩy việc rút giàn khoan này.
Về song phương, gần 5 năm qua hơn 30 lượt Chủ tịch QH/Nghị viện và hàng trăm đoàn QH từ khắp các châu lục thăm ta, đạt mức kỷ lục trong các nhiệm kỳ. Lần đầu tiên Chủ tịch danh dự Thượng viện Patrick Leahy, Chủ tịch Hạ viện John Boehneur và Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain gửi thư mời Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thăm Mỹ (3 - 9.9.2015). Đây là chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên của Chủ tịch QH ta. Trong chuyến thăm lần đầu tiên của Chủ tịch QH sau 8 năm tới Trung Quốc, từ ngày 23 - 27.12.2015 Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thăm và ký Thỏa thuận hợp tác với Chủ tịch Nhân đại (QH) Trung Quốc Trương Đức Giang (lần đầu tiên giữa hai QH). Đây cũng là lần đầu tiên trong cùng một năm, Chủ tịch QH thăm chính thức cả Trung Quốc và Mỹ là hai nước lớn liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của ta.
Về đa phương, QH ta chủ trì các hội nghị và phát huy vai trò tại IPU, AIPA, APPF, APF, ASEP… Đặc biệt là lần đầu tiên sau 36 năm làm thành viên IPU, QH đăng cai tổ chức Đại hội đồng (ĐHĐ) IPU lần thứ 132 tại Hà Nội (28.3 - 1.4.2015) vào lúc chuyển giao giữa hai giai đoạn phát triển 2000 - 2015 và 2016 - 2030. Với sự tham gia của hơn 100 lãnh đạo Nghị viện từ 133/166 nghị viện thành viên và 23 tổ chức nghị viện thế giới, IPU-132 là hoạt động đối ngoại lớn nhất của QH và là một trong những sự kiện đối ngoại lớn nhất của nước ta 70 năm qua. Tuyên bố Hà nội về Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động do ta đề xuất, với tư tưởng đặt con người vào trung tâm của sự phát triển bền vững là đóng góp quan trọng nhất chuyển tới Hội nghị các CTQH thế giới lần thứ 4 (ở New York, 31.8 - 2.9.2015) tổ chức 5 năm một lần mà Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lần đầu tiên tham dự và phát biểu, được đưa vào văn kiện chuyển đến Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ (25 - 27.9.2015) thông qua Chương trình nghị sự phát triển 2030. Chủ tịch IPU Saber Chowdhury khẳng định: ĐHĐ IPU-132 là ĐHĐ thành công nhất trong nhiều năm, Việt Nam đáng được vinh danh cho Tuyên bố Hà Nội do mình đề xuất và là di sản của thế hệ này cho các thế hệ sau.
2015 - Năm lịch sử của đối ngoại Quốc hội
Quan hệ nghị viện song phương là cơ sở để thúc đẩy các quan hệ nghị viện đa phương. Quan hệ nghị viện đa phương tác động lại quan hệ nghị viện song phương.
Với thành công của lần đầu tiên tổ chức ĐHĐ IPU-132 ra Tuyên bố Hà Nội, Chủ tịch QH dự Hội nghị các Chủ tịch QH thế giới năm chuyển giao 2 giai đoạn phát triển, lần đầu tiên thăm chính thức Mỹ 40 năm sau chiến tranh và 20 năm lập quan hệ ngoại giao, thăm Trung Quốc sau 65 năm lập quan hệ ngoại giao, cùng thăm Trung Quốc và Mỹ trong một năm, lần đầu tiên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Trụ sở mới của QH…, 2015 trở thành năm lịch sử của đối ngoại QH Việt Nam.
Tăng cường tính đối ngoại chuyên nghiệp, nghiên cứu, tham mưu, dự báo, tham khảo chọn lọc ngoại giao nghị viện thế giới, nâng cao chất lượng trao đổi đoàn, tham dự các diễn đàn nghị viện thế giới, phục vụ QH thực hiện các chức năng, làm sâu sắc hơn quan hệ nghị viện song phương và đa phương, lồng ghép và cụ thể hóa các thỏa thuận quốc tế, Tuyên bố Hà Nội, Chương trình nghị sự phát triển 2030… là những thách thức và cơ hội để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại QH sắp tới.