Dấu ấn cội nguồn trên tà áo dài

- Thứ Ba, 06/04/2021, 19:41 - Chia sẻ
Trên tà áo dài, được làm từ nguồn nguyên liệu bản địa và trình diễn trong không gian đậm chất Việt Nam, hình ảnh 15 quốc gia sẽ được giới thiệu tới công chúng trong chương trình “Áo dài của chúng ta”, diễn ra tại khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, vào 19h30 ngày 9.4.

Thế giới trong áo dài Việt

Chương trình “Áo dài của chúng ta” nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Áo dài - di sản Việt Nam” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với mong muốn phát huy hơn nữa để áo dài trở thành biểu trưng của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.

Nhà thiết kế Huệ Thi (Cần Thơ) sẽ mở màn đêm diễn bằng bộ sưu tập đậm chất Việt Nam

Chương trình sẽ giới thiệu hơn 600 bộ áo dài của 15 nhà thiết kế trong cả nước. Chia sẻ tại họp báo chiều 6.4, nhà thiết kế Minh Hạnh, tổng đạo diễn chương trình, cho biết: Trong hành trình để áo dài trở thành di sản, phải có những sự kiện để quảng bá áo dài và cho thấy nó có thể phát triển được trong tương lai... Chương trình lần này, với chủ đề “Thế giới trong áo dài Việt”, 15 bộ sưu tập thể hiện cảm quan của các nhà sưu tập về 15 đất nước: Nhà thiết kế Huệ Thi (Cần Thơ) mở màn bằng bộ sưu tập đậm chất Việt Nam; nhà thiết kế Cao Minh Tiến (Hà Nội) thể hiện vẻ đẹp của ngôn ngữ Pháp; nhà thiết kế Phương Thanh (TP. Hồ Chí Minh) làm nổi bật vẻ đẹp của đất nước Hà Lan qua hình tượng hoa tulip; nhà thiết kế Trần Thiện Khánh (Huế) khai thác phong cách Hàn Quốc qua những bộ áo Hanbok; nhà thiết kế Lan Hương (Hà Nội) khai thác vẻ đẹp di sản của kiến trúc nước Đức...

Bộ sưu tập của nhà thiết kế Minh Hạnh lấy cảm hứng từ đất nước Nga

“Mỗi đất nước có vẻ đẹp, phong cách khác nhau và các nhà thiết kế khai thác vẻ đẹp của đất nước đó đưa lên tà áo dài, để khi xuất hiện người xem sẽ nhận biết được ngay. 15 bộ sưu tập lần này là sự mở đầu, đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ có khoảng 100 bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ văn hóa 100 quốc gia. Việc đưa hình ảnh, biểu trưng, nét đẹp văn hóa các quốc gia lên tà áo dài cũng cho thấy, áo dài là đại sứ về ngoại giao và khẳng định văn hóa Việt dễ thích nghi với văn hóa các nước thông qua tà áo dài...” - nhà thiết kế Minh Hạnh nói.

Bộ sưu tập của nhà thiết kế Ngọc Hân khai thác hình ảnh đặc trưng của Ấn Độ

Chương trình sẽ có sự tham gia của hơn 400 người, trong đó đặc biệt có phu nhân các Đại sứ Italy, Ấn Độ, Lào, Belarus,  Mozambique… cùng NSƯT Thanh Tú, NSND Thu Hà, NSND Lan Hương, NSND Hoàng Cúc, NSND Minh Hòa, NSND Trà Giang - những nghệ sĩ đã gắn liền với hình ảnh áo dài khi tham dự nhiều sự kiện nghệ thuật. Ngoài ra còn có sự tham gia của 100 học viên Học viện Phụ nữ, 40 em trong đội trống thiếu nhi Hà Nội, cùng 90 người mẫu từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội...

Nhà thiết kế Chu La giới thiệu bộ sưu tập áo dài bằng chính vẻ đẹp văn hóa nguồn gốc Tây Ban Nha của mình

Gắn với chất liệu dân tộc

Điểm đặc biệt là tất cả bộ sưu tập sẽ được thực hiện bằng chất liệu truyền thống Việt Nam như lụa từ Vietnam Silk House và vải gai AP - một chất liệu truyền thống bị lãng quên nhiều năm vừa được làm sống lại. Chất liệu truyền thống Việt Nam sẽ ghi thêm dấu ấn đậm nét về cội nguồn dân tộc trên chiếc áo dài.

Sân khấu trình diễn "Áo dài của chúng ta" sẽ mang đậm chất dân tộc

Không gian trình diễn áo dài được phủ xanh với 15.000 cây gai được đưa từ vườn ươm tại nhà máy ở Thanh Hóa về Hà Nội, cùng với những nong kén trắng, gợi sự liên kết giữa áo dài với các chất liệu bản địa. Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết: “Trước đây chúng tôi đi với lụa, và bây giờ có món quà khác là gai - chất liệu vừa mới 'ra lò'. Thực tế, chúng ta đã sử dụng cây gai, nhưng từ trước tới nay chưa có vải gai thực sự chất lượng để có thể may áo dài. Lần này, chất lượng của nó vượt quá hy vọng của tôi về chất liệu này, cho tôi niềm tin mãnh liệt là thời trang Việt Nam sẽ phát triển”.

Các bộ sưu tập được làm từ chất liệu lụa và gai của Việt Nam

So sánh giữa lụa và gai, các nhà thiết kế cho rằng, lụa mượt mà, thướt tha, sang trọng, và có giá thành đắt; gai bụi hơn, tự do, thoáng hơn, thân thiện, dễ chịu hơn, mặc không phải gìn giữ nhiều. Mỗi chất liệu có giá trị riêng. Theo nhà thiết kế Minh Hạnh: “Ngày xưa tiểu thư mặc vải lụa, nàng hầu mặc vải gai, nhưng câu chuyện gai ngày nay đã khác. Mới cách đây 2 năm, tôi làm bộ sưu tập về gai, nhưng phải đưa cho người dân tộc tuốt sợi, se chỉ, dệt bằng tay, không thể ra vải mang chất lượng quốc tế như xử lý công nghiệp. Hiện nay, các nhà nghiên cứu gai và lụa kết hợp với nhau để cho ra một chất liệu khác, và hy vọng là lần sau chúng ta có loại vải mới này”.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết: “Buổi trình diễn áo dài với chất liệu đa dạng, cách thể hiện phong phú, cho thấy áo dài thể hiện được các giá trị hết sức độc đáo của văn hóa Việt Nam”.

"Áo dài được tôn vinh từ lâu nhưng vẫn đang trong hành trình tự khẳng định mình với tư cách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Áo dài của chúng ta” khẳng định 2 điểm: thứ nhất, áo dài kết nối với nguồn nguyên liệu của đất nước đó là lụa và gai. Điều đó thể hiện, áo dài mang hồn cốt dân tộc không chỉ ở hình thức, ý nghĩa bên trong, mà ở cả nguyên liệu làm ra áo dài, làm cho tính dân tộc thể hiện đầy đủ hơn. Thứ hai, văn hóa thế giới sẽ được in dấu trên tà áo dài Việt Nam..."

Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Trần Đức Ngôn

Ngọc Phương