Đất "vàng" và cán bộ

- Chủ Nhật, 12/07/2020, 07:43 - Chia sẻ
Liên tiếp vài ngày nay, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố nhiều cán bộ đang hoặc từng giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước. Tại Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và nhiều cán bộ thuộc Bộ Công thương bị khởi tố ngày 10.7. Ngày 11.7, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến và nhiều cựu cán bộ của thành phố cũng lần lượt bị khởi tố.

Một điểm chung là các bị can đều bị khởi tố theo Điều 219 Bộ luật Hình sự, cho tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí’. Và trong nhiều vấn đề sai phạm được cơ quan điều tra nêu ra, những người từng nắm quyền lực quan trọng tại cấp bộ hay địa phương đầu não đều liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai. Ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa dính tới vụ bán rẻ đất vàng tại TP Hồ Chí Minh của Công ty Sabeco. Đối với ông Trần Vĩnh Tuyến, sai phạm cũng liên quan đến sử dụng đất đai của một doanh nghiệp nhà nước khác là Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), cũng tại TP Hồ Chí Minh. Chỉ mới rất gần đây thôi, sai phạm trong quản lý đất đai cũng là điểm chính trong hàng loạt vụ án liên quan đến “Vũ nhôm”, “Út trọc” ở Đà Nẵng, hay vụ án liên quan đến cựu đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến.

Không bất ngờ khi “đất vàng” là nguồn cơn khiến nhiều cán bộ chủ chốt sa ngã và vướng vào vòng lao lý. Tuy nhiên, điều đáng bàn là chính sách quản lý công sản, đặc biệt là đất đai, cần phải được đánh giá kỹ lưỡng và bịt được những lỗ hổng để một mặt tài sản nhà nước không bị thất thoát; mặt khác, Đảng và Nhà nước cũng không bị mất đi hàng loạt cán bộ chủ chốt vì những cám dỗ liên quan đến đất đai.

Một trong những lỗ hổng như vậy vừa được Quốc hội “bịt” thành công khi xóa đi hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao, thường gọi là “đổi đất lấy hạ tầng”). Đây là quyết tâm đáng ghi nhận của các Đại biểu Quốc hội, bởi nhiều địa phương vẫn “thích”, vẫn còn tâm lý bám víu vào cách làm dễ dàng: dùng đất đất đai để chi trả cho doanh nghiệp làm công trình hạ tầng nhưng chỉ định thầu để né tránh đấu giá đất công khai, minh bạch. Đây chính là nguồn cơn của tham nhũng, thất thoát tài sản. Nhìn kỹ các vụ án đã được điều tra và xét xử, cũng như căn cứ vào thông tin cơ quan điều tra bước đầu cung cấp ở các vụ án nêu trên thì chỉ định thầu cho những doanh nghiệp cá nhân “sân sau” hay dựng lên những doanh nghiệp định giá cốt chỉ hợp thức hóa quy trình là kịch bản phổ biến để bán rẻ đất đai, công sản. Bỏ BT vì vậy rất cần thiết để chặn ngay từ đầu các nguy cơ sai phạm, tham nhũng.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra toàn bộ bức tranh đất đai, BT mới chỉ là một trong nhiều những vấn đề tạo cơ hội cho sai phạm. Việc cho phép Nhà nước đứng ra thu hồi, giải phóng mặt bằng cho các dự án kinh tế quy định trong Luật Đất đai hiện nay là một vấn đề mấu chốt khác hàm chứa những rủi ro như vậy. Dựa vào cơ chế này, nhiều doanh nghiệp thực hiện các dự án kinh tế, thay vì tự đứng ra thương lượng, mua quyền sử dụng đất của người dân hay chủ thể nắm quyền sử dụng đất, lại chọn cách dựa vào chính quyền để chính quyền đứng ra thu hồi đất dưới danh nghĩa dự án phát triển kinh tế của địa phương. Cơ chế trao quyền thu hồi đất bằng quyết định hành chính cho địa phương có thể có tác dụng tích cực nếu được địa phương sử dụng vào mục đích trong sáng, vì phát triển chung. Tuy vậy cơ chế này cũng có mặt trái khi không thiếu những doanh nghiệp tìm cách mua chuộc, hối lộ để các vị quan chức đưa ra những quyết định chỉ vì lợi ích doanh nghiệp. Những vấn đề chính sách lớn như thế vậy rõ ràng cần được đánh giá cẩn trọng khi sửa Luật Đất đai.

Quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý các cán bộ, cho dù đó là những cán bộ ở hàng ngũ lãnh đạo cấp cao là đáng hoan nghênh và được nhân dân ghi nhận. Song song với đó, việc quan trọng khác cần làm là sửa đổi chính sách, tức là sửa từ cái gốc, ngăn chặn tham nhũng xảy ra. Như thế “đất của tham nhũng” mới được dọn sạch mà đội ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước dày công đào tạo và phát triển cũng được bảo vệ và duy trì.

Hà Lan