Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Đặt trong tổng thể thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng

- Thứ Năm, 04/03/2021, 05:59 - Chia sẻ
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội là một trong ba đột phá chiến lược giai đoạn 2021 - 2030. Do vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Báo cáo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần tiếp tục hoàn thiện, đặt trong tổng thể thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại mà Đại hội đã đề ra.

Sắc nét hơn các bản quy hoạch trước 

Theo Báo cáo về Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến, thời gian qua, mạng lưới đường bộ cơ bản đã bao phủ khắp lãnh thổ nước ta, đóng vai trò trục chính kết nối mạng lưới giữa các vùng, miền, kết nối giữa các phương thức vận tải khác như cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu, đầu mối giao thông quan trọng… Tuy vậy, một số mục tiêu chưa đạt theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Đơn cử như một số đoạn cao tốc quan trọng chưa hoàn thành (nhất là cao tốc Bắc - Nam phía Đông). Nhiều tuyến quốc lộ do được nâng cấp từ các tuyến đường địa phương nên còn nhiều hạn chế. Còn nhiều điểm nghẽn giao thông trên mạng lưới. Thiếu một số kết nối quan trọng giữa đường bộ với một số khu vực kinh tế, công nghiệp lớn và các phương thức vận tải khác...

Đường cao tốc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhiều địa phương
Nguồn: ITN

Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu rõ, tỷ lệ đường tỉnh so với quốc lộ, cao tốc chưa phù hợp. Tỷ lệ này hiện là 1,08 lần trong khi theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế cần khoảng trên 2 lần. Nguồn lực đầu tư phát triển và bảo trì cho loại đường giao thông này còn thấp so với nhu cầu. Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới hiện nay cũng đã có nhiều thay đổi; nguồn hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam ngày càng hạn chế và đang chuyển từ hình thức cho vay ưu đãi sang vay thương mại, trong khi nguồn lực trong nước dành cho giao thông lại hạn chế... Thực tế này đòi hỏi ngành giao thông vận tải phải tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao hiệu quả tối đa khai thác toàn bộ hệ thống bằng việc kết hợp hài hòa giữa các phương thức vận tải, đổi mới cách thức đầu tư phát triển và khai thác đường bộ.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Quy hoạch mạng lưới đường bộ nằm trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia cần được thực hiện để cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành trên cơ sở kết nối với các ngành, các vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Vì thế, ngay sau khi được Thủ tướng giao xây dựng quy hoạch này, với sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và sự nỗ lực của Liên danh tư vấn TEDI - CCTDI, một khối lượng công việc lớn đã được hoàn thành để xây dựng Báo cáo Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bản đồ quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ tỷ lệ 1:250.000.

Các chuyên gia nhận định, Báo cáo Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng công phu, nội dung chặt chẽ, đề cập đến các vấn đề cốt lõi, sắc nét hơn so với các bản quy hoạch trước đó. Điểm nhấn của Báo cáo Quy hoạch này, theo chuyên gia kinh tế độc lập Vũ Đình Ánh, là đã xác định rõ hệ thống cao tốc sẽ trở thành các trục xương sống bảo đảm kết nối liên vùng, kết nối trực tiếp đến các cảng biển đặc biệt, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế quan trọng, cũng như các đô thị lớn.

Báo cáo Quy hoạch này cũng đã tính toán được nhu cầu sử dụng quỹ đất, nhu cầu vốn, các hình thức huy động vốn, yếu tố nguồn nhân lực, cũng như các giải pháp về chính sách để thực hiện các mục tiêu đề ra. Trong đó, ông Vũ Đình Ánh ghi nhận, cơ quan chức năng đã ý thức về nhu cầu vốn đầu tư lớn, trong khi khả năng đáp ứng còn hạn chế, do đó đã đưa ra định hướng tập trung thực hiện một số tuyến cao tốc trong thời kỳ 2021 - 2030 như: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến cao tốc kết nối với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tuyến cao tốc kết nối giữa các khu vực chưa có trục cao tốc kết nối... 

Làm rõ hơn yếu tố "đột phá"

“Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội là một trong ba đột phá chiến lược giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu...” Nhấn mạnh điều này, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, dù Báo cáo Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã "sắc nét" hơn nhưng vẫn chưa làm rõ đột phá phát triển hạ tầng được thể hiện như thế nào trong Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ.

Để thể hiện rõ hơn tính chất của một trong ba đột phá chiến lược phát triển giai đoạn tới, ông Nguyễn Đình Cung gợi mở, cần đưa ra các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển có liên quan đến hạ tầng nói chung, trong đó có mạng lưới đường bộ nói riêng. Đồng thời, làm rõ các mục tiêu, định hướng, phát triển ngành, lĩnh vực và từng vùng kinh tế có hàm ý hay đặt ra yêu cầu gì đối với phát triển các loại kết cấu hạ tầng, trong đó có mạng lưới hạ tầng đường bộ.

PGS. TS. Doãn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam, lưu ý, hệ thống đường bộ Việt Nam hiện gồm mạng lưới đường bộ quốc gia phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (các tuyến đường ô tô được xếp hạng) và mạng lưới đường bộ địa phương phục vụ nhu cầu dân sinh (trong đó có nhiều tuyến đường không đủ điều kiện lưu hành xe ô tô). Trong khi đó, kinh nghiệm của các nước, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra triết lý: "Muốn biết kinh tế đi về đâu? Xin hãy đi theo chiếc xe tải", tức là, vận tải đường bộ có vai trò đặc biệt trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Vì thế, việc xây dựng Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 thực chất là phải "vẽ" lên được tấm bản đồ mạng lưới đường bộ dành cho xe ô tô hoạt động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ. Ông Doãn Minh Tâm cũng đề nghị, không nên đưa hệ thống đường giao thông nông thôn vào Quy hoạch này. 

Dự kiến Báo cáo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được trình Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 4 tới. Việc xây dựng, phê duyệt và thực hiện Quy hoạch này sẽ đóng góp quan trọng vào việc triển khai thực hiện một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng ta xác định cho giai đoạn tới. 

Lê Bình