Đối thoại cuối tuần

Đặt nặng thi cử sẽ không đạt mục tiêu giáo dục

- Chủ Nhật, 22/07/2018, 07:34 - Chia sẻ
Cho rằng, hành vi nâng điểm thi THPT Quốc gia tại Hà Giang là bê bối rất nguy hại đối với ngành giáo dục nước nhà, theo ĐBQH PHẠM THỊ MINH HIỀN (Phú Yên), cần nhìn thẳng vào sự thật để nhận diện vấn nạn, tìm ra nguyên nhân và phương án giải quyết tận gốc cũng như có chính sách đổi mới hiệu quả hơn cho nền giáo dục nước nhà. Bởi “đặt quá nặng việc thi cử như hiện nay sẽ không đạt mục tiêu giáo dục”.

Nguy cơ phá vỡ niềm tin

-  Hơn 300 bài thi trắc nghiệm bị sửa điểm, nhiều bài thi chênh lệch đến 8 điểm so với kết quả ban đầu, cá biệt có thí sinh tổng điểm được làm tăng lên đến 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Bà có bất ngờ với vụ tiêu cực trong chấm thi tại Hà Giang vừa qua không? 


Ảnh: Lâm Hiển 

“Với tư cách phụ huynh học sinh, là công dân từng thụ hưởng nền giáo dục nước nhà, tôi rất mong muốn con cháu mình được giáo dục, học tập để làm người có ích về sau, có niềm tin vào sự nỗ lực của bản thân, chứ không phải từ hành vi gian lận của người lớn. Thi cử, điểm số và thành tích không giúp gì được cho công cuộc cải cách, chấn hưng nền giáo dục nước nhà nếu không lấy con người làm trọng. Hãy lấy lại niềm tin của con trẻ bằng chính câu khẩu hiệu hầu như trường nào cũng có: Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền

- Tôi không quá bất ngờ, nhưng là một người có con, cháu đang theo học hệ thống giáo dục công lập, tôi cũng khá bức xúc. Không chỉ tôi, mà hầu như dư luận xã hội đều nhận định, vụ gian dối nâng điểm thi THPT Quốc gia năm nay là vụ việc bê bối rất nguy hại đối với ngành giáo dục nước nhà, nhất là khi đặt trong bối cảnh chúng ta đang quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục - đào tạo. Vụ tiêu cực này có nguy cơ phá vỡ toàn bộ niềm tin của người dân, phụ huynh và học sinh về sự công bằng, công tâm trong kỳ thi mà trước đó các nhà quản lý giáo dục không ít lần khẳng định rằng rất hiệu quả và thành công.

- Cho đến thời điểm này, vụ việc dường như không dừng lại ở Hà Giang mà có dấu hiệu lan sang nhiều địa phương khác trên khắp cả nước…?

- Tôi rất trông đợi kết luận kiểm tra ở các địa phương này, nếu không có tiêu cực thì rất đáng mừng. Nhưng ngay cả như vậy, từ vụ việc ở Hà Giang cho thấy, gian dối trong thi cử được dư luận đặt ra lâu nay không còn là nghi vấn nữa, cũng không dừng ở mức độ sai phạm để rút kinh nghiệm mà nó được thực hiện bởi hành vi trái pháp luật, có tổ chức, đã bị khởi tố hình sự. Hãy nhìn thẳng vào sự thật rằng, một khi có dấu hiệu lan rộng, phức tạp, thì nó sẽ trở thành vấn nạn, dịch bệnh vô cùng nguy hiểm. Cá nhân tôi cho rằng, chỉ có nhìn thẳng vào sự thật mới nhận diện và tìm ra căn nguyên, đề ra phương án giải quyết tận gốc cũng như có chính sách đổi mới hiệu quả hơn.

Đây cũng là lúc để xã hội, nhất là các bậc phụ huynh nhận thấy trách nhiệm của mình, thay đổi nhận thức về giáo dục. Rõ ràng, hậu quả mà vụ việc này gây ra không thể đổ hết cho ngành giáo dục, mà có một phần trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ, bởi sự nhận thức lệch chuẩn về giáo dục - đào tạo, dẫn đến thái độ, hành vi lệch chuẩn trong giáo dục, thi cử và định hướng tương lai của con cái.

Bộ trưởng cần thể hiện rõ quan điểm

- Trong vụ việc này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về thủ phạm trực tiếp và những người liên quan, có cả phụ huynh như bà vừa nói. Nhưng Bộ GD - ĐT và cá nhân Bộ trưởng cũng phải chịu trách nhiệm chứ, thưa bà?

- Chắc chắn rồi. Có hai việc dư luận xã hội đang hướng sự quan tâm cao độ, đó là việc phải làm và việc cần làm của cơ quan chủ quản. Bộ GD - ĐT phải thấy rõ trách nhiệm cao hơn của mình để có những chỉ đạo tiếp theo trong giám sát, thanh tra, rà soát kết quả thi để có những kết luận, nhận định chuẩn xác hơn về kỳ thi THPT Quốc gia, đề ra phương án khắc phục hậu quả để lấy lại niềm tin của nhân dân.

Đặc biệt, với trách nhiệm của Bộ trưởng, tôi nghĩ rằng không thể tách rời trách nhiệm của tư lệnh ngành trong sự việc gây chấn động dư luận này. Đó không phải sự cố đáng tiếc mang tính cá biệt. Bởi trước đó, Bộ trưởng đã có nhận định đánh giá kết quả kỳ thi trước công luận có phần vội vàng, nên sau khi vụ việc gian dối bị phát hiện, các bậc phụ huynh, học sinh và báo chí rất cần sự thể hiện quan điểm rõ ràng của cá nhân Bộ trưởng, ít nhất là có trách nhiệm với những phát ngôn trước đó của mình. Hơn thế, đây lại là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, là xây dựng và phát triển con người, góp phần quyết định sự thành bại của một quốc gia, dân tộc. Chúng ta phải luôn nhớ rằng, bài học vỡ lòng về đạo đức, lễ nghĩa, ứng xử mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng được dạy ở tuổi đầu đời đó là: Chào hỏi, cảm ơn, nhận lỗi và xin lỗi. Cao hơn nữa là sự cảm thông và chia sẻ.

Thí sinh tham gia Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 Ảnh: Hải Nguyễn

Tiếp nhận phản biện tích cực để đổi mới toàn diện

- Sau Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành kiểm tra tại một số địa phương có kết quả thi cao bất thường. Bà kỳ vọng gì sau “cú hích” từ Hà Giang?

- Những động thái tích cực vừa rồi của Bộ Giáo dục - Đào tạo trong việc thành lập các tổ công tác xác minh kết quả kỳ thi ở những địa phương có dấu hiệu bất thường là một việc làm rất trách nhiệm và quyết liệt. Qua theo dõi báo đài, tôi được biết một số tỉnh cũng đã rà soát kết quả điểm thi cao ở địa phương mình. Dù dư luận có hồ nghi thì đó vẫn là tinh thần chủ động và trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Tôi nghĩ, dư luận cũng không nên gây quá nhiều áp lực yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo, yêu cầu tiến hành rà soát toàn diện các tỉnh, thành còn lại. Bởi với thực lực của Bộ hiện nay sẽ rất khó hoàn thành khi thời gian vào năm học mới đã cận kề. Muốn tìm lại sự công tâm, công bằng, phải có thời gian.

- Với phương thức tổ chức thi và đánh giá chất lượng giáo dục - đào tạo, sau vụ việc này nhìn nhận lại, liệu có nên thay đổi không, thưa bà?

- Rõ ràng chúng ta thấy rằng, hầu như năm nào ở các kỳ thi chuyển cấp, từ tiểu học cho đến THPT, đặc biệt kỳ thi THPT Quốc gia theo hình thức 2 trong 1, dư luận đều phản ánh về những tiêu cực, từ đề thi cho đến hình thức thi, tính kỷ luật cho đến chất lượng thi... Thậm chí, ngay từ năm đầu tiên của bậc phổ thông, muốn vào lớp 1 không ít cháu phải thi để được học, và trong suốt 12 năm học thì các cháu phải học để thi. Tôi thấy, ngành giáo dục đặt quá nặng việc thi cử như hiện nay sẽ không đạt mục tiêu giáo dục đặt ra. Không ít cơ sở giáo dục công lập vi phạm quyền được đến trường của trẻ em khi vào lớp 1 nhưng hiện nay Bộ không thể kiểm soát hết được.

Nên chăng, việc thi tốt nghiệp THPT giao cho các địa phương chủ động tổ chức, nội dung đề thi, hình thức thi nhẹ nhàng, phù hợp với điều kiện và sức học thực tế của thí sinh ở từng vùng miền, địa phương. Hoặc Bộ cho phép thành lập các trung tâm khảo thí độc lập chịu trách nhiệm về thi cử. Tôi hiểu rằng, đổi mới thi cử không thể làm trong ngày một, ngày hai, cần có lộ trình, dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn bạc, cân nhắc thận trọng và quyết định. Vấn đề là, Bộ Giáo dục - Đào tạo phải mở rộng cách tiếp nhận phản biện của dư luận xã hội và các chuyên gia có trách nhiệm, biến những phản biện tích cực thành thế mạnh để đổi mới toàn diện và hiệu quả.

- Xin cảm ơn bà!

Anh Minh thực hiện