Thiếu đồng bộ
PGS. TS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, tổng quỹ đất xây dựng đô thị của cả nước ước khoảng 290 nghìn hecta, bình quân 100m2/người, chiếm 0,1% đất tự nhiên của cả nước. Dự báo đến năm 2070, dân số Việt Nam sẽ tăng 1,5 lần, khi đó nhu cầu sử dụng đất xây dựng đô thị từ 1 - 1,2 triệu hecta, bằng 0,3 - 0,4% diện tích đất tự nhiên. Nhu cầu sử dụng đất xây dựng đô thị được dự báo là một thách thức nan giải. |
Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo Nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị vừa diễn ra, trong 30 năm qua, việc phát triển đất xây dựng đô thị và xây dựng công trình trên đất đô thị ở nước ta đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy 2 quá trình trên vẫn thiếu sự gắn kết. Đặc biệt, trong quản lý đầu tư xây dựng công trình đô thị, việc đánh giá đất và sử dụng lợi thế về “quyền phát triển” gắn liền với việc sử dụng đất xây dựng đô thị vẫn nhiều bất cập, chưa được quan tâm, khai thác, sử dụng như một nguồn lực và công cụ kiểm soát phát triển đô thị.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng chỉ ra tình trạng tập trung quá lớn vốn đầu tư, sử dụng đất đô thị xây nhà ở trong khi việc dành quỹ đất và kinh phí cho hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật rất hạn chế. Vì vậy, dẫn đến ùn tắc giao thông, ngập úng. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng các khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh không phát triển; các dự án treo, triển khai ì ạch vì không thu hút được người đến sống, làm việc.
Một bất cập khác, theo ông Hùng, là tỷ lệ quy hoạch chi tiết đạt thấp (35%) dẫn đến tình trạng xin - cho, tùy tiện trong cấp phép và quy hoạch luôn bị điều chỉnh. Số lượng công trình xây dựng không phép, trái phép diễn ra phổ biến và trên diện rộng. Công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, chế tài xử phạt không nghiêm. Nhiều quy định chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, vừa gây chậm trễ, lãng phí vừa nảy sinh khiếu kiện. TS. Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết thêm: Hiện chưa có quy định cụ thể về góp quyền sử dụng đất và điều chỉnh lại quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Cũng theo các chuyên gia tham dự hội thảo, việc cải tạo, nâng cấp các khu vực đô thị hiện hữu không hấp dẫn các nhà đầu tư do quỹ đất hạn chế, giá đất bồi thường cao, mật độ dân cư lớn, thiếu hành lang pháp lý hiệu quả để hài hòa việc kiểm soát phát triển và áp dụng các cơ chế khuyến khích đầu tư.
![]() |
Quản lý nghiêm theo quy hoạch
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, để quản lý tốt đất đô thị thì chính quyền đô thị một mặt phải am hiểu nhu cầu của người dân và thị trường, thông thạo nghiệp vụ địa chính và giỏi huy động nguồn lực đất đai phục vụ tăng trưởng. Mặt khác, phải đề cao đạo đức công vụ, ngăn chặn mọi biểu hiện tham nhũng, hối lộ. Ông Liêm cũng hy vọng tới đây, chính sách và thể chế trong lĩnh vực quản lý đất đô thị được đổi mới hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng, tính đồng bộ và năng lực cạnh tranh của các đô thị.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, TS. Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng, cần tăng cường quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch; tạo lập các đô thị, khu vực phát triển đô thị, dự án phát triển đô thị có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai, cập nhật thông tin giá đất và lập bản đồ giá đất để phục vụ cho việc điều chỉnh, định nghĩa đất cụ thể. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xây dựng đô thị và quy hoạch đô thị.
TS. Đào Trung Chính cho biết thêm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai dự án Tăng cường năng lực quản lý đất đai và xây dựng cơ sở với số vốn 180 triệu USD trong giai đoạn 2017 - 2021. Bộ đã xây dựng Hệ thống mạng thống nhất thông tin đất đai trên cả nước, các địa phương sẽ xây dựng cơ sở hệ thống dữ liệu đất đai số. Qua đó thực hiện các thủ tục hành chính, minh bạch hóa thông tin, chia sẻ dữ liệu đất đai không chỉ của Bộ Tài nguyên và Môi trường mà cho các ngành, địa phương. Trước mắt, hệ thống đã thực hiện chia sẻ tại 9 - 10 địa phương với Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan thuế. Một số nơi như Đồng Nai, Vĩnh Long đã chuyển được bản đồ quy hoạch xây dựng lên nền cơ sở hệ thống số. Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đang triển khai xây dựng hệ thống thành phố thông minh. Việc này sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý đất thuận tiện, hiệu quả hơn.